Anh mổ xẻ 'kỷ nguyên vô trách nhiệm' của giới ngân hàng

Giám đốc điều hành ngân hàng Barclays Plc, Bob Diamond đã từ chức hôm 3/7/2012 và trở thành “vật tế thần” tiếp theo trong vụ bê bối thao túng lãi suất đang làm rung chuyển cả nước Anh. Vụ từ chức của Giám đốc Bob Diamond xảy ra vào thời điểm nhà chức trách Anh quyết định mở cuộc điều tra vụ bê bối thao túng thị trường tài chính, trong khi đã có lời kêu gọi “phải chấm dứt thứ văn hóa nảy nở trong kỷ nguyên vô trách nhiệm của các ông chủ ngân hàng”.


Theo kế hoạch, một cuộc điều tra liên ngành sẽ bắt đầu trong vài ngày tới để có bản báo cáo đầy đủ về vụ bê bối này vào cuối năm. Báo chí Anh cho biết nhóm điều tra này có toàn quyền triệu tập nhân chứng từ các giới tài chính và chính trị, cũng như sẽ có tiếng nói “đầy trọng lượng” đến cuộc cải cách khu vực tài chính hiện nay của chính phủ Anh. Điều này có thể dẫn tới việc các ông chủ ngân hàng Anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái của nhân viên, và có thể, những đánh giá riêng rẽ, độc lập về cách thức ấn định và điều hành lãi suất trên các thị trường tài chính sẽ được đưa vào dự luật ngân hàng mới của Anh.


 

Giám đốc điều hành Barclays Plc, Bob Diamond từ chức sau quá nhiều áp lực. Ảnh: Internet

 

Trong khi đó, Cơ quan điều tra các vụ gian lận nghiêm trọng của chính phủ Anh cho biết một tháng nữa, họ sẽ quyết định có áp các tội danh tội phạm hình sự với các ngân hàng nào nằm trong diện điều tra hay không? Mức phạt kỷ lục đối với Barclays cho thấy các vấn đề trong ngành công nghiệp tài chính Anh cần phải được mổ xẻ một cách triệt để. Quyền Giám đốc Cục Dịch vụ tài chính Anh (FSA), ông Tracey McDermott nhấn mạnh: “Có lẽ phản ứng (dữ dội) đối với mức phạt dành cho Barclays hồi tuần trước sẽ đánh dấu một bước ngoặt, một thời điểm mà ngành công nghiệp này phải nhận ra rằng họ phải đối diện với thách thức và thừa nhận rằng có nhiều điều phải thay đổi”.


Vụ Barclays xảy đến ở thời điểm giới ngân hàng Anh quốc, vốn đang bị công kích dữ dội về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng tài chính - lại phải đối mặt với làn sóng giận dữ mới của công chúng sau các bê bối có hệ thống tại ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) và bằng chứng về những gian lận trong dịch vụ tài chính.
Chịu mức nộp phạt 453 triệu USD, Barclays là ngân hàng đầu tiên rơi vào một cuộc điều tra cũng đang nhằm vào hơn một chục ngân hàng khác, trong đó có Citigroup, UBS và RBS. Hôm 29/6, một loạt ngân hàng tên tuổi tại Anh gồm HSBC, Lloyds và RBS đã phải thừa nhận hành vi thao túng lãi suất và chấp nhận nộp phạt.


Lời thừa nhận được đưa ra sau khi các nhà điều tra Anh và Mỹ phát hiện các ngân hàng này thao túng hai lãi suất quan trọng là lãi suất cho vay liên ngân hàng London (Libor) và lãi suất cho vay liên ngân hàng châu Âu (Euribor) - vốn là các chỉ số cơ bản của hoạt động tài chính. Libor là lãi suất áp lên các khoản cho vay giữa các ngân hàng. Dựa trên chỉ số này mà các ngân hàng sau đó sẽ định ra các mức lãi suất cho vay đối với khách hàng, từ tiền lãi mua nhà trả góp cho đến lãi suất trên thẻ tín dụng... Ngoài ra, chỉ số Libor còn được nhiều ngân hàng trên thế giới dùng làm chuẩn mực để tham chiếu trong các hợp đồng cho vay, với tổng trị giá được ước tính có thể lên tới 360.000 tỉ USD.


Theo thỏa thuận đạt được với FSA, Barclays, HSBC, Lloyds và RBS đã chấp nhận nộp “những khoản bồi thường tương xứng” cho hành vi thao túng lãi suất, khiến hàng ngàn khách hàng bị ảnh hưởng.


Chuyên gia Euan Stirling thuộc Công ty tài chính Standard Life Investments, một cổ đông lớn với 2% cổ phiếu Barclays, lo ngại rằng vụ điều tra này sẽ còn lan rộng và ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp tài chính nước Anh.


Hiện chính phủ liên minh của đảng Bảo thủ và Tự do Dân chủ Anh đang bị chỉ trích dữ dội vì đã không thành lập ủy ban điều tra độc lập đối với khu vực ngân hàng, tương tự như vụ điều tra của thẩm phán Brian Leveson đối với giới truyền thông sau vụ bê bối nghe lén dẫn tới đóng cửa tờ News of the World, thuộc đế chế News Corp của Rupert Murdoch.


Chưa rõ hệ quả từ vụ Barclays có thể gây xao động chính trường Anh ra sao, nhưng trước mắt, Công đảng đã dọa sẽ tổ chức cuộc biểu quyết bắt buộc trong Quốc hội Anh về việc có thành lập một ủy ban điều tra độc lập hay không? Công đảng hiện đang hưởng ứng lý lẽ của các nhóm chỉ trích, cho rằng một cuộc điều tra của quốc hội (đối với Barclays) là cần thiết, nhằm giành được sự tôn trọng của các cử tri Anh. Thủ lĩnh Công đảng Anh Ed Miliband hôm 2/7 cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi mở cuộc điều tra công khai, toàn diện và độc lập đối với các ông chủ ngân hàng và chính trị gia. Theo tôi, đó là cách duy nhất để chúng ta có thể gây dựng lại niềm tin vào thành phố Luân Đôn và các dịch vụ tài chính”.


Trần Long (tổng hợp)

Chủ tịch Barclays "ra đi" sau bê bối lãi suất
Chủ tịch Barclays "ra đi" sau bê bối lãi suất

Chủ tịch Marcus Agius là quan chức cao cấp đầu tiên của Barclays phải ra đi sau vụ bê bối thao túng lãi suất, dẫn đến việc ngân hàng lớn số hai Anh quốc này phải chấp nhận khoản tiền phạt kỷ lục 290 triệu bảng Anh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN