Trong thông điệp nhân kỷ niệm ngày thành lập khối (8/8/1967-8/8/2022), Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, nhận định trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được những thành tựu ngoài kỳ vọng, đưa Đông Nam Á từ khu vực của đối đầu, bất đồng thành khu vực của hợp tác, phát triển và tin cậy.
Thủ tướng Hun Sen đánh giá ASEAN đã đóng vai trò là một diễn đàn mở để tham vấn và đối thoại mang tính xây dựng, góp phần to lớn vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực. Trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, ASEAN đã có thể vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này cũng như những tác động tiêu cực đối với y tế công, xã hội, kinh tế và sinh kế của người dân. ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến để hạn chế các tác động của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN nhằm bảo vệ đời sống của người dân, cũng như duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, ASEAN đang kiên trì thực hiện nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm do lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình; theo đuổi lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông; tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong suốt 55 năm qua nhờ hội nhập trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Theo nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn, đóng góp quan trọng nhất của ASEAN là giúp tạo ra một môi trường hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trong quan hệ giữa các nước thành viên với nhau, nhờ vậy mà các thành viên có điều kiện tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế quốc gia của từng thành viên cũng như của cả khối ASEAN ở khu vực Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trước đại dịch COVID-19, ASEAN được xem là một khu vực phát triển kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 5,5%/năm, GDP đạt 3.300 tỷ USD - lớn thứ năm thế giới. Dự báo, đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Bà Joanne Lin Weiling, nhà nghiên cứu về ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã giúp người dân ASEAN thoát khỏi đói nghèo hiệu quả, mức sống của người dân ASEAN không ngừng được cải thiện.
Qua thời gian, vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới không ngừng được nâng cao. ASEAN hiện được xem là tổ chức khu vực thành công thứ hai trên thế giới chỉ sau Liên minh châu Âu (EU). Hiện có 96 quốc gia ngoài ASEAN đã bổ nhiệm đại sứ bên cạnh Ban thư ký ASEAN. ASEAN có quan hệ đối tác với 11 quốc gia, trong đó có 2 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và 8 nước có quan hệ đối tác chiến lược. Với việc thêm 6 quốc gia ký văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) ngày 3/8 vừa qua, đến nay tổng số quốc gia thành viên của hiệp ước này là 49 nước quốc gia/thực thể. Các cường quốc ngoài khu vực ngày càng coi trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và xem việc thắt chặt quan hệ với ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN hiện là trung tâm của mạng lưới các hiệp định tư do ở khu vực, tiếp tục là động lực chính trong thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và tiểu khu vực, mà gần đây nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tháng 11/2020.
Tham gia ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, trong suốt hành trình 27 năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp cho một ASEAN thống nhất, đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển, có tiếng nói ở khu vực và được các nước lớn coi trọng. Một trong những điểm nhấn quan trọng về đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN là việc đảm nhận, đăng cai thành công các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội khối. Đặc biệt, trên vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, trước những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động đưa ASEAN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo chuyên gia Valeria Vershinina của Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), trong khuôn khổ ASEAN, vai trò lãnh đạo của Việt Nam được thể hiện qua các sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên cũ và mới của Hiệp hội (Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế - xã hội). Trong vấn đề an ninh khu vực, chuyên gia Valeria Vershinina đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam vận động các nước trong khu vực đi đến ký kết Hiệp ước về cấm vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, cũng như trong thúc đẩy chương trình nghị sự để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, khởi động đàm phán về COC.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Thư ký Lim Jock Hoi lưu ý rằng ASEAN vẫn cần cảnh giác với những rủi ro hiện hữu, bao gồm sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng, giá cả lương thực và chi phí hậu cần gia tăng, cũng như suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn, có nguy cơ đẩy nhiều người hơn lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực trừ khi được giải quyết thỏa đáng. Theo ông, ASEAN cần tiếp thu những kinh nghiệm trong quá khứ để chuẩn bị tốt hơn cho những cú sốc trong tương lai. Trong đó, bài học quan trọng rút ra từ đại dịch COVID-19 là cách tiếp cận toàn cộng đồng đối với những vấn đề này, cụ thể là tăng cường cam kết hội nhập và hợp tác trong bối cảnh các mối liên kết toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn, đồng thời giữ vững sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực và toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn nhân 55 năm thành lập ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith cho rằng ASEAN cần tiếp tục duy trì vai trò trung tâm, lập trường đồng thuận trong giải quyết các thách thức. Cùng chung quan điểm này, bà Sharon Seah, nhà nghiên cứu cao cấp, Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đánh giá ASEAN cần phải có một lập trường chung trong xử lý các vấn đề khu vực, quốc tế. ASEAN đã đưa ra tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng cần biến đây thành một kế hoạch chiến lược nhằm thúc đẩy một môi trường thuận lợi tăng cường các quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố ASEAN cần đoàn kết để giải quyết những thách thức then chốt vì sự phát triển bền vững và hòa bình, ổn định tại khu vực.
Lịch sử 55 năm tồn tại và phát triển của ASEAN cho thấy chỉ khi hợp tác và đoàn kết, các nước khu vực mới có thể đạt được sự thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội và hòa bình lâu dài. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh nước lớn rộng khắp và gay gắt, những thách thức cũ và mới đan xen, ASEAN phải phát huy bản lĩnh, tinh thần đoàn kết và hữu nghị để tiếp tục phát triển, hướng tới xây dựng một cộng đồng tự cường và vững mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế.