Buổi lễ diễn ra trang trọng, ấm cúng với nghi lễ thượng cờ ASEAN, trình chiếu video về các mốc lịch sử của hiệp hội, cắt bánh kỷ niệm, trao Học bổng ASEAN-Maybank, cũng như các tiết mục múa hát và trình diễn nghệ thuật đặc sắc của các cán bộ của Ban Thư ký ASEAN và các nghệ sĩ nổi tiếng trong khu vực.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng sự kiện được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Đông Nam Á đang dần mở cửa hoạt động trở lại một cách an toàn và hiệu quả.
Tổng Thư ký Dato Lim cho rằng nhờ ứng phó hiệu quả với đại dịch và thực hiện theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, ASEAN đã trở thành một cộng đồng mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn. Trao đổi thương mại của khu vực đã trở lại mức trước đại dịch và kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% vào năm tới.
Trong khi đó, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm nay thể hiện vai trò nòng cốt của ASEAN trong việc đóng góp vào hòa bình và tăng trưởng của khu vực, cũng như cải thiện cuộc sống của người dân và mang lại cơ hội cho tất cả mọi người.
Theo ông Dato Lim, bất chấp những thành tựu trên, ASEAN vẫn cần cảnh giác với những rủi ro hiện hữu, bao gồm sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng, giá cả lương thực và chi phí hậu cần gia tăng, cũng như suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn, có nguy cơ đẩy nhiều người hơn lâm vào cảnh đói nghèo cùng cực trừ khi được giải quyết thỏa đáng.
Do vậy, ASEAN cần tiếp thu những kinh nghiệm trong quá khứ để chuẩn bị tốt hơn cho những cú sốc trong tương lai. Trong đó, bài học quan trọng rút ra từ đại dịch COVID-19 là cách tiếp cận toàn cộng đồng đối với những vấn đề này, cụ thể là tăng cường cam kết hội nhập và hợp tác trong bối cảnh các mối liên kết toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn, đồng thời giữ vững sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực và toàn cầu.
Tổng Thư ký Dato Lim cho rằng ASEAN cần đảm bảo thực hiện hiệu quả sáng kiến về số hóa, khẳng định rằng điều này sẽ cho phép các nước khu vực tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ với 463 triệu người dùng Internet hiện nay và dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Cụ thể, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trong động lực tăng trưởng mới này bằng cách đầu tư vào nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, tạo cơ hội cho thanh niên tham gia vào việc hoạch định chính sách; đồng thời cần đẩy nhanh chương trình nghị sự xanh của mình.
Cuối cùng, Tổng Thư ký Dato Lim nhấn mạnh rằng lịch sử 55 năm tồn tại và phát triển của ASEAN cho thấy chỉ khi hợp tác cùng nhau, các nước khu vực mới có thể đạt được sự thịnh vượng kinh tế, tiến bộ xã hội và hòa bình lâu dài. Thông điệp này cũng được thể hiện rõ trong chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức”.