Ba hướng phát triển của cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar

Qatar đang cố gắng tìm cách để thoát khỏi tình trạng cô lập do các quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Sau khi bị một số nước phong tỏa đường hàng không, đường biển và cửa khẩu biên giới, nền kinh tế của Doha cũng bị đe dọa ít nhiều. Vấn đề người dân nước này đặc biệt lo ngại chính là nguồn cung cấp thực phẩm bị Saudi Arabia ngừng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, Qatar vẫn có những “người bạn” sẵn sàng giúp đỡ, trong đó có Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tạp chí Forbes đã gợi ý ba kịch bản mà cuộc khủng hoảng Qatar có thể phát triển theo hướng đó:

Người dân Qatar đi bộ ven bờ biển ở Doha, phía sau là các công trình nhà cao tầng đang được hoàn thiện để phục vụ World Cup 2022. Ảnh: AFP

1. Qatar phụ thuộc nặng nề vào các nước bạn hữu

Kênh truyền hình Al-Jazeera đưa tin, tính tới ngày 10/6 đã có 10 quốc gia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tuy nhiên, trong cảnh hoạn nạn thì Thổ Nhĩ Kỳ lại lên tiếng cam kết trợ giúp Qatar trong nhu cầu thực phẩm và thuốc men. Bên cạnh đó, Iran vừa cử 5 máy bay chở đầy thực phẩm cho Doha.

Trong khi nguồn lao động lớn nhất tại Qatar là người Philippines thì chính quyền Manila mới đây cũng thể hiện sự ủng hộ với nước bạn bằng cách tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lao động mới sang Qatar. Theo một nhà phân tích nhận định, Ấn Độ cũng sẵn sàng giúp đỡ Qatar trong cơn kìm kẹp này. Vì thế mà Qatar vẫn “giữ được đường sống”.

“Qatar có những lựa chọn khác để nhập khẩu thức ăn, chẳng hạn như đường biển và đường hàng không Qatar – Iran vẫn có thể sử dụng”, ông Giorgio Cafiero, Giám đốc tổ chức cố vấn nguy cơ chính trị Gulf State Analytics cho hay, “sẽ tốn kém hơn để vận chuyển thực phẩm qua đường hàng không so với nhập khẩu thẳng từ Saudi Arabia qua đường bộ, tuy nhiên, Qatar có các phương tiện tài chính để vượt qua điều này”.

Ít nhất 4 chuyến bay chở thực phẩm của Iran Air đã tới Qatar. Ảnh: AFP/TTXVN

2. Các nước Vùng Vịnh và Qatar đạt một thỏa thuận


Các láng giềng trung lập như Kuwait và Oman đang kiếm tìm một giải pháp hòa giải cho vấn đề Qatar, ông Cafiero nói. Mỹ, vốn đang sử dụng căn cứ không quân al-Udeiba của Qatar để xuất kích chiến đấu cơ chống khủng bố, cũng kêu gọi về một giải pháp.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần qua đã đề nghị Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nới lỏng cấm vận đối với Qatar.

Phát biểu tại hội nghị của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, ông Tillerson khẳng định hội đồng chính trị và kinh tế gồm sáu thành viên này cần tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt tình trạng cô lập. 

Bên cạnh đó, Quốc vương Qatar nên hành động nhiều và nhanh hơn để trục xuất những yếu tố khủng bố ra khỏi đất nước mình.

3. Một cuộc chiến tranh bắt đầu

Sau một thời gian, có khả năng chính phủ các nước Arab vẫn duy trì quan điểm rằng Qatar tiếp tục hỗ trợ các tổ chức Hồi giáo cực đoan như Hamas và Anh em Hồi giáo. Điều này sẽ khiến họ thêm nổi giận, siết chặt các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Doha. 

Khi đó, ngọn lửa căng thẳng rất có thể thổi bùng một cuộc chiến tranh Vùng Vịnh giữa những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Xuân Chi/Báo Tin Tức
FIFA hy vọng World Cup 2022 sẽ không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ở Qatar
FIFA hy vọng World Cup 2022 sẽ không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng ở Qatar

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino ngày 11/6 đã bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay sẽ không đe dọa tới việc Qatar đăng cai VCK World Cup 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN