Hai vòng đàm phán tại Geneva thất bại đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đẩy mạnh hoạt động tài trợ và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy, nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Và một lần nữa, Washington đang chuẩn bị cho một kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.
Dân thường Syria sơ tán trong chiến dịch nhân đạo khỏi thành phố Homs ngày 12/2. |
Ngày 31/1 vừa qua, các quan chức tình báo Mỹ, Saudi Arabia và lực lượng nổi dậy đã có cuộc họp tại Jordan để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Các bên tham dự đã đi đến thống nhất rằng giải pháp chính trị để lật đổ chính quyền Assad là khó khả thi, do đó đề xuất phương án tấn công quân sự. Theo đó, Saudi Arabia viện trợ cho lực lượng nổi dậy hệ thống tên lửa phòng không vác vai, điều mà trước đây Nhà Trắng luôn phản đối vì quan ngại các vũ khí này có thể rơi vào tay mạng lưới khủng bố al-Qaeda và được chúng sử dụng để tấn công các máy bay dân sự của Mỹ và phương Tây.
Để thực hiện kế hoạch quân sự can thiệp vào Syria, Mỹ cho rằng cần tổ chức lại lực lượng và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy, giúp họ đủ sức kiểm soát khu vực phía nam thủ đô Damascus, làm bàn đạp phát động các cuộc tấn công quân sự tiêu diệt quân đội chính phủ. Theo kế hoạch của Mỹ, Jordan sẽ trở thành căn cứ trực tiếp cho các hoạt động can thiệp quân sự vào Syria. Tuần trước, Tổng thống Obama đã có cuộc họp kín với Quốc vương Jordan Abdullah II tại Mỹ để bàn về các vấn đề của khu vực Trung Đông. Trong cuộc họp này, Mỹ cam kết cho Jodan vay 1 tỷ USD và xem xét thêm một khoản viện trợ 600 triệu USD cho lĩnh vực quân sự và kinh tế. Đổi lại, Washington được phép sử dụng lãnh thổ của Jodan khi triển khai tấn công quân sự Syria.
Chính quyền Obama thừa nhận đã bắt đầu thảo luận nghiêm túc về việc thay đổi chính sách đối với Syria. Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Obama đã yêu cầu các cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu mọi khả năng giải quyết vấn đề Syria. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nhấn mạnh Lầu Năm Góc đã xây dựng phương án quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
Thất bại đáng chú ý của vòng đàm phán Geneva 2 là không đưa ra được lộ trình cho việc nối lại các cuộc đàm phán. Ngoài ra, bất đồng gia tăng giữa Washington và Moskva đã khiến Mỹ tăng cường chuẩn bị can thiệp quân sự vào Syria. Chính quyền Obama và đồng minh lập luận rằng giải pháp quân sự với Syria hiện nay là phù hợp vì những lý do sau:
Thứ nhất, việc can thiệp quân sự sẽ giải quyết được vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Số người thiệt mạng, nạn đói, tình trạng không nhà cửa và các cơ sở hạ tầng bị tàn phá là những lý do để Mỹ và đồng minh phát động can thiệp quân sự.
Thứ hai, cần phải can thiệp quân sự vào Syria vì nước này đang trở thành nơi trú ẩn của các phần tử al-Qaeda, những kẻ có thể phát động các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và phương Tây. Việc Mỹ cung cấp vũ khí được biện minh là nhằm chống lại các phần tử khủng bố trong các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS), Mặt trận al-Nusra.
Thứ ba, Tổng thống Obama cho rằng việc tăng cường chuẩn bị tấn công quân sự sẽ gây sức ép, buộc chính quyền Assad phải tiến đến chấp nhận một giải pháp ngoại giao. Nhà Trắng nhận thấy các vòng đàm phán tại Geneva vừa qua giống như một vở kịch khi phe nổi dậy chỉ là các “con rối” trong tay Mỹ và phương Tây, và họ tham gia đàm phán chỉ để yêu cầu Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tất cả các lý do trên chỉ nhằm biện minh cho chiến lược của Mỹ nhằm giành quyền bá chủ về dầu mỏ tại khu vực Trung Đông, làm suy yếu các đối thủ như Iran, Nga và Trung Quốc thông qua sử dụng hành động đe dọa quân sự.
Hải Đường (Theo trang tin “wsws”)