Ba thách thức Tổng thống Mỹ Biden phải đối mặt trong năm bản lề của nhiệm kỳ

Nhà Trắng đang phải đối diện khó khăn trong việc kiềm chế COVID-19 với biến thể Omicron, nghị trình kinh tế đình trệ cùng với căng thẳng với Nga trong bối cảnh kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ đang đến gần.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Delaware, ngày 30/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể Omicron, nguyên nhân gây ra số ca nhiễm mới cao kỷ lục, đã đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thế bị động, chống đỡ vất vả, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt xét nghiệm cũng như bất đồng liên quan đến quyết định rút ngắn thời hạn cách ly từ 10 ngày xuống còn 5 ngày với người nhiễm COVID-19.

Ngày 4/1, ông Biden đã phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo về quãng thời gian khó khăn ở phía trước. Đó là thời khắc khó khăn đối với một vị tổng thống mới nhậm chức hơn một năm trước còn hăng hái mang theo kỳ vọng sẽ đẩy lui COVID-19, người từng chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020 chủ yếu dựa trên cam kết sẽ chống dịch tốt hơn đối thủ Donald Trump.

“Tôi biết tất cả chúng ta đều mệt mỏi và bực bội trước diễn biến của đại dịch. Những tuần tới đây sẽ là giai đoạn đầy thách thức. Chúng ta sẽ vượt qua được. Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”, ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng.

Lây nhiễm bùng phát đúng thời điểm tỉ lệ tín nhiệm đối với ông Biden bắt đầu phục hồi trở lại, sau bước sụt giảm nghiêm trọng, một xu hướng được khởi đầu từ mốc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và kéo dài trong suốt sáu tháng còn lại của năm 2021.

Trên mặt trận kinh tế, đà phục hồi mạnh mẽ bị phủ bóng bởi lạm phát tăng cao cùng với những đứt gãy trong chuỗi cung. Chính điều này đã cản trở bước tiến trên thị trường lao động, làm giá hàng hóa tăng cao, đánh vào tâm lý nhóm cử tri từng tin tưởng vào khả năng điều hành kinh tế của ông Biden. Nhà Trắng trong tháng 12 còn hứng chịu cú sốc lớn, khi thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin bất ngờ rút khỏi tiến trình thảo luận nhằm thông qua dự luật về gói chi tiêu 1.750 tỉ USD có tên gọi “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” (Build Back Better - B3).

Ngày 4/1, ông Manchin vẫn tuyên bố cứng rằng có rất ít hy vọng để khởi động lại đàm phán về B3, khẳng định cá nhân ông chưa có bất kỳ vòng đối thoại nào kể từ khi lên tiếng phản đối dự luật. Quyết định của ông Manchin được xem như một “đòn giáng mạnh” vào nỗ lực của Tổng thống Joe Biden. Để dự luật được thông qua ở Thượng viện, Tổng thống Biden cần sự đồng thuận của toàn bộ 50 thành viên đảng Dân chủ, do các thượng nghị sĩ phe Cộng hòa đều đã tuyên bố phản đối.

James Lucier, chuyên gia phân tích tại tổ chức Capital Alpha Partners, nhìn nhận đảng Dân chủ vẫn có cơ hội để thông qua gói ngân sách khoảng 1.500 tỉ USD, nhưng ông cũng cảnh báo mỗi một tuần qua đi mà không có bước tiến đáng kể nào sẽ dẫn đến những khó khăn đối với chương trình kinh tế mà ông Biden muốn hoàn tất.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng lúc, nghị trình đối ngoại của Tổng thống Biden bị chi phối nhiều bởi yếu tố Nga, mà cụ thể là khả năng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin can thiệp quân sự ở Ukaine, thách thức, kiểm định quyết tâm của châu Âu cũng như cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở khu vực này.

Mỗi một khó khăn kể trên đều khiến ông Biden và đảng Dân chủ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn phe Cộng hòa giành quyền kiểm soát tại Quốc hội sau kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra cuối năm nay. Nếu viễn cảnh này xảy ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gặp phải thách thức lớn trong việc thông qua các dự án luật đầy tham vọng trong quãng thời gian nắm quyền còn lại ở Nhà Trắng đến trước bầu cử Tổng thống năm 2024.

Theo Ben Koltun, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Beacon Policy Advisors ở  Washington, nhiệm vụ của ông Biden là phải chứng minh cho người dân Mỹ thấy ông là một người có kinh nghiệm và khả năng điều hành. Ông cần phải đạt được đồng thuận với thượng nghị sĩ Manchin về gói kich thích B3, tạo cho Mỹ có vị thế mạnh mẽ hơn trong đương đầu với Nga và xử lý ổn thỏa vấn đề dịch bệnh và lạm phát. Nếu không, sẽ không thể tránh khỏi dư luận cho rằng ông không phải là nhà lãnh đạo, mà là một người bị dẫn dắt bởi ông Manchin, Nga hay biến thể Omicron.

Triển vọng đối với ông Biden không phải là quá bi đát so với mức tỉ lệ tín nhiệm của ông - Andrew Bishop, trưởng nhóm nghiên cứu chính sách toàn cầu tại hãng tư vấn Signum có trụ sở ở Washington, nhận định. Mức tín nhiệm của ông Biden hiện vẫn cao hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump và mức suy giảm cũng không mạnh như từng xảy ra với Barack Obama trong năm đầu tiên cầm quyền. Với việc quan tâm và hướng sự chú ý đối với nhóm cử tri trung dung, ông Biden có cơ hội để giành được sự ủng hộ mạnh hơn từ những người độc lập.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Thách thức chờ đợi Tổng thống Mỹ Biden trước thềm bầu cử năm 2022
Thách thức chờ đợi Tổng thống Mỹ Biden trước thềm bầu cử năm 2022

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden được coi là nhiều biến động. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dự đoán nhà lãnh đạo Mỹ sẽ còn đối mặt với “cuộc chiến bầu cử giữa nhiệm kỳ” nhiều khó khăn trong năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN