Nhìn lại một năm thực hiện lời hứa tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Khi tranh cử chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã đưa ra một danh sách dài lời hứa cho năm đầu tiên cầm quyền, trong đó nhiều lời hứa gắn liền với việc đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm và kiểm soát đại dịch COVID-19.

Gói cứu trợ COVID-19 và tiêm chủng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh NBCNews, ông Biden đã đạt được mục tiêu là tiêm 100 triệu mũi vaccine COVID-19 trong vòng 100 ngày đầu tiên tại vị, nhưng những nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng của ông kể từ đó đã gặp khó khăn.

Tới nay, có khoảng 28% người Mỹ trưởng thành vẫn chưa tiêm đầy đủ vaccine COVID-19. Chính quyền của ông Biden vừa phải chống lại làn sóng thông tin giả vừa phải chật vật thuyết phục những người còn lại tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm chủng chậm lại đã tạo ra nhiều cơ hội cho SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan, làm phức tạp cuộc chiến chống COVID-19 của Tổng thống. Mỹ có ca mắc COVID-19 mới cao nhất thế giới trong ngày 26/12 với trên 96.000 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 trong năm 2021 cũng cao hơn trong năm 2020.

Sau khi quyết định không áp dụng biện pháp bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, Tổng thống Biden đã thay đổi quan điểm vào tháng 9. Ông đã ban hành hai lệnh hành pháp yêu cầu các nhân viên và nhà thầu liên bang phải tiêm vaccine và yêu cầu các công ty tư nhân có trên 100 nhân viên bắt buộc tiêm chủng hoặc thực hiện xét nghiệm thường xuyên. Cả hai lệnh đó đều vấp phải sự phản đối từ các thành viên Cộng hòa và Dân chủ và đang bị đưa ra tòa án liên bang.

Bất chấp những khó khăn trong nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho Mỹ, ông Biden có thể thực hiện lời hứa mở cửa các trường công lập từ cấp mẫu giáo tới lớp 8 và cung cấp gói cứu trợ kinh tế cho người bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Vào đầu tháng 3, ông Biden đã ký thành luật Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, phát séc cứu trợ, tăng cường trợ cấp thất nghiệp và đẩy mạnh phân phối vaccine COVID-19.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới năm đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Biden và có thể sẽ là một vấn đề chính trong năm thứ hai của ông, khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng trên khắp đất nước.

Bãi bỏ các chính sách thời Trump

Ông Biden từng cam kết sẽ xóa bỏ di sản của ông Donald Trump và đảo ngược các chính sách ngay từ ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Chú thích ảnh
Ngày 18/11/2021, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Mexico và Canada đã diễn ra tại Nhà Trắng ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký lệnh hành pháp ngừng cấp tiền cho việc xây dựng bức tường biên giới phía nam của ông Trump, đảo ngược lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ với công dân các quốc gia đa số theo đạo Hồi và đảo ngược các bãi bỏ quy định về môi trường.

Mặc dù ông Biden phần lớn giữ lời hứa sẽ nhanh chóng bãi bỏ một số hành động của người tiền nhiệm, nhưng ông cũng bị chỉ trích vì cho phép một số chính sách thời ông Trump tiếp tục diễn ra, đặc biệt là chính sách liên quan đến vấn đề nhập cư.

Ông Biden đã bị chỉ trích nặng nề vào đầu năm nay sau khi tuyên bố sẽ duy trì giới hạn số lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ. Cuối cùng, ông đã phải nâng mức giới hạn lên 125.000 người như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ và những người ủng hộ vấn đề nhập cư cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống là giữ nguyên chính sách có tên “Đề mục 42” của ông Trump. Đây là một lệnh y tế công cộng cho phép Mỹ trục xuất những người di cư xin tị nạn vì lý do y tế khẩn cấp. Một chính sách mà ông Biden giữ lại cũng bị chỉ trích là chính sách “Ở lại Mexico” thời ông Trump, vốn yêu cầu những người di cư xin tị nạn phải đợi bên ngoài Mỹ để chờ quyết định nhập cư từ tòa án.

Không có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden sẽ sớm có kế hoạch thu hồi “Tiêu đề 42”, nhưng các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ có ý định chấm dứt chương trình “Ở lại Mexico”. Mỹ đã chấm dứt chương trình này vào đầu năm nay, nhưng một thẩm phán liên bang đã ra lệnh khôi phục chương trình sau khi bang Texas và Missouri kiện.

Quyền bầu cử, cải tổ lực lượng cảnh sát

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết sẽ bảo vệ quyền bỏ phiếu và nói rằng với tư cách là tổng thống, ông sẽ thông qua luật để củng cố Đạo luật Quyền bầu cử.

Chú thích ảnh
Tuần hành phản đối cảnh sát bạo hành người da màu và nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, tại New York , Mỹ ngày 19/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ít nhất 19 bang đã thông qua các luật bỏ phiếu hạn chế trong năm nay và luật để đảo ngược những thay đổi đó đang bị đình trệ tại Quốc hội.

Những người ủng hộ quyền bầu cử đã chỉ trích Tổng thống vì đã không coi bầu cử là quyền ưu tiên, đặc biệt là trước năm bầu cử giữa nhiệm kỳ. 

Mặc dù Tổng thống Biden cho rằng đảng Cộng hòa sẽ khiến các cộng đồng da đen và Latinh gặp khó khăn trong bỏ phiếu và gọi các luật mới là “phép thử quan trọng nhất đối với nền dân chủ của chúng ta kể từ sau Nội chiến”, nhưng những hành động của ông chưa thể hiện điều đó.

Tổng thống đã phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự khi đề cập đến những lời hứa mà ông đã đưa ra để giải quyết vấn đề cải tổ lực lượng cảnh sát sau vụ sát hại George Floyd.

Đầu năm nay, ông Biden đã từ bỏ kế hoạch thành lập một ủy ban giải quyết các vấn đề liên quan hoạt động của cảnh sát. Thay vào đó, ông thúc giục Quốc hội thông qua luật để cải thiện cách thực thi pháp luật của cảnh sát. Hạ viện đã thông qua một đạo luật liên quan George Floyd vào tháng 3, nhưng dự luật không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Nhiều tháng thảo luận của lưỡng đảng cuối cùng đã thất bại hồi tháng 9.

Quyền bỏ phiếu và cải tổ cảnh sát là những ưu tiên lập pháp hàng đầu đối với đảng Dân chủ và việc không thể thực hiện được cả hai biện pháp đã khiến nhiều người giận dữ, đặc biệt là cử tri da đen, những người đóng vai trò quan trọng trong giúp ông Biden vào Nhà Trắng.

Tái lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của ông Biden là tái lập vị thế của Mỹ trên trường quốc tế sau những chính sách đối ngoại mà ông Trump đã thực hiện để tách Mỹ khỏi thế giới. 

Tổng thống Biden đưa Mỹ tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới, khôi phục các mối quan hệ đã bị ông Trump cắt đứt. 

Tổng thống Biden cũng thực hiện cam kết tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới tham gia một hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu và ông đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ với sự tham gia của trên 100 quốc gia. 

Đến tháng 9, để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận, Tổng thống Biden đã rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Tuy nhiên, việc rút quân trong hỗn loạn vào những ngày cuối cùng đã khiến ông Biden bị lưỡng đảng chỉ trích. 

Theo các nhà phân tích, mặc dù có vẻ khác người tiền nhiệm nhưng cách tiếp cận của ông Biden với một số vấn đề chính sách đối ngoại lại có vẻ giống quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. 

Ví dụ, các đồng minh châu Âu thân cận đã thất vọng với ông Biden vào đầu năm nay vì ông giữ nguyên các hạn chế nhập cảnh liên quan COVID-19 từ thời ông Trump. 

Quan hệ với đồng minh càng trở nên căng thẳng sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Một số đồng minh nói rằng họ lẽ ra nên được tham vấn chặt chẽ hơn về việc rút quân. 

Ngoài ra, Pháp cũng cáo buộc Tổng thống Biden hành động giống ông Trump sau khi Mỹ lập liên minh AUKUS với Anh và Australia, khiến Pháp mất hợp đồng tàu ngầm giá trị cao với Australia.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Siêu biến thể Omicron - Thách thức lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden
Siêu biến thể Omicron - Thách thức lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden

Sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã gióng hồi chuông cảnh báo cho Mỹ nói chung và Tổng thống Joe Biden nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN