Làn sóng hàng triệu người tị nạn từ Afghanistan, Iraq, Syria... đang đặt ra bài toán cho EU trong việc duy trì một đường biên giới chung, điều được xem là giá trị cốt lõi của một liên minh thống nhất. Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng thử thách năng lực của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong việc duy trì một đồng tiền chung. Trong khi đó, những vấn đề nội bộ cũng đang trở nên cấp bách hơn khi Anh sẽ sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi EU. Sự tồn tại của một EU thống nhất với một đường biên giới chung, một đồng tiền chung và sự ổn định về thành viên đang đứng trước những thách thức lớn chưa từng thấy.
Khủng hoảng di cư là một trong những khó khăn lớn của EU. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước tình hình hiện nay, báo chí và giới nghiên cứu chính trị ở Đức dự báo tương lai của khu vực EU có thể theo ba xu thế sau:
Một là, EU sẽ phải chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương hóa, khu vực hóa, thậm chí là ly khai hóa nếu dựa trên những gì phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Scottland và những người đòi ly khai ở xứ Catalan (Tây Ban Nha) đang đòi hỏi hiện nay. Điều này cho thấy các nước trong EU hiện có xu hướng tự quyết thay vì trông chờ vào EU. Một nghịch lý xuất hiện trên thực tế là EU càng phát triển thì trong nội bộ lại xuất hiện nhiều hơn các xu hướng đòi tự trị của một số khu vực. Nếu không có EU, những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ không quyết tâm trong việc đòi chia tách khỏi Vương quốc Anh lớn như hiện nay.
Lực lượng này ở Scotland nhìn thấy những lợi ích từ việc chia tách khỏi Vương quốc Anh để tự tham gia vào EU lớn hơn việc họ là một phần của Vương quốc này. Mặc dù vậy, dưới sự vận động của Anh và từ chiến lược của mình, các nước lớn trong EU sẽ khó chấp nhận kịch bản này để hậu thuẫn Scotland vì làm như vậy sẽ mở đường cho các khu vực khác như xứ Basque, xứ Catalan và tạo ra làn sóng ly khai mới ở châu Âu, điều mà các nước lớn khu vực không ủng hộ trong thời điểm hiện nay.
Hai là, tương lai của EU sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào Đức và nước này ngày càng có vai trò chi phối dẫn dắt trong EU. Trong khi đó, ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Pháp và Italy ngày càng bị suy giảm, Anh lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại EU. Lúc này, Đức có vai trò và vị thế vượt trội trong EU, trở thành trung tâm của liên minh này và các chính sách của EU sẽ xoay quanh trục là Đức. Hiện rõ ràng là Đức có vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khối, cung cấp và đảm bảo các nguồn lực, nhất là ngân sách cho EU cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn của các nước thành viên khác. Mặc dù vậy, xu hướng này cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự chia rẽ trong EU sâu sắc hơn khi nhiều quốc gia phản đối sự chi phối của Đức trong các vấn đề của khối, cũng như lo ngại về sự ổn định của EU sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào nước Đức.
Ba là, EU sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong tương lai do thách thức từ sự già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lực lượng dân số trong độ tuổi lao động ở châu Âu sẽ giảm thêm 7,5 triệu người từ năm 2013 đến năm 2020. Trong khi đó, EU cũng đang phải đối mặt với thách thức từ làn sóng di cư không thể kiểm soát từ Trung Đông và châu Phi. Có đến 16 triệu trong 81 triệu người Đức là người nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài. Anh là nước có tỷ lệ người nước ngoài cao thứ hai ở châu Âu sau Đức. Châu Âu sẽ ngày càng giống nước Mỹ hơn khi dòng người nhập cư là không thể tránh được, không thể ngăn cản được (về mặt địa chính trị) trong khi cũng lại cần thiết (về mặt dân số và kinh tế). Xu hướng này được xem là sẽ hỗ trợ cho quá trình hội nhập của EU trong khi bản sắc quốc gia, bản sắc dân tộc sẽ bị phai nhạt dần.
Trong các kịch bản trên, kịch bản thứ hai sẽ có nhiều khả năng xảy ra nhất. EU sẽ tiếp tục con đường hợp tác và hội nhập của mình dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của nước Đức. Xu hướng này sẽ diễn ra tích cực và có lợi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như những diễn biến chính trị nội bộ nước Đức và lực lượng chính trị nào ở nước này nắm quyền điều hành đất nước cũng như sự sẵn sàng của các nước khác ở EU, nhất là các nước lớn trong việc đồng ý với vai trò này của nước Đức.