Các tàu của Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Gettyimages
|
Theo tờ "New York Times" ngày 6/7, suốt hơn 3 năm qua Trung Quốc luôn từ chối tham gia các phiên xét xử của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) liên quan đến đơn kiện của Philippines về những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, càng gần đến ngày PCA đưa ra phán quyết (theo kế hoạch là vào ngày 12/7 tới), Bắc Kinh có vẻ như đang ngày một lo lắng.
Để phô trương sức mạnh, Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần trên Biển Đông ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi quân đội nước này đã lắp đặt tên lửa đất đối không. Trong những tháng gần đây, quốc gia này đã phát động một chiến dịch tuyên truyền để phản bác vụ kiện của Philippines, hạ uy tín của PCA đồng thời lôi kéo các quốc gia từ Nga tới Togo ủng hộ những tuyên bố chủ quyền của họ. Một loạt những hành động này là dấu hiệu cho thấy phán quyết sắp tới của PCA có thể biến một cuộc chạy đua thiết lập các cơ sở thể hiện chủ quyền trên biển thành cuộc thử nghiệp mức độ tôn trọng của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương.
Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua thiết lập các cơ sở trên Biển Đông, với việc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và Mỹ. Tuy nhiên, nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines trong một số vấn đề chủ chốt thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể bị đặt vào thế phòng thủ, hoặc thậm chí dồn vào chân tường như lo lắng của một số người. "Đây là một vấn đề không chỉ dừng lại ở Biển Đông", Bilahari Kausikan, một Đại sứ lưu động của Singapore nhận định đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - cơ sở cho đơn kiện của Philippines cũng như những cân nhắc của PCA. Ông nói thêm: "Ý nghĩa của vấn đề này nằm ở chỗ liệu những phán quyết của Tòa có được tuân thủ hay không và Trung Quốc không thể chỉ chọn tuân thủ những điều có lợi cho họ".
Có lẽ Bắc Kinh tự cho rằng có đủ ảnh hưởng để phớt lờ UNCLOS 1982. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước này. Về phán quyết sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận hoặc công nhận nó". Quan điểm này gây đau đầu cho một số nhân vật tại Trung Quốc, trong đó có các chuyên gia về chính sách đối ngoại, trên danh nghĩa cá nhân đã chỉ trích lập trường của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã nhường lợi thế về uy tín cho đối thủ là Mỹ.
Chính quyền Obama đã nắm bắt cơ hội bằng cách bắt đầu một chiến dịch ngoại giao, ủng hộ PCA và thuyết phục các đồng minh công khai đưa ra những tuyên bố về "trật tự trên biển dựa trên các quy định" và việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, ông Daniel Russel, đã được cử tới Đức, nơi ông đã có bài nói chuyện về vụ kiện này tại một trường chính sách công nổi tiếng ở Berlin.
Phát biểu trước cử tọa, ông Daniel đã nói: "Người Trung Quốc thích nói rằng Thái Bình Dương đủ lớn cho cả hai chúng tôi. Điều này không có nghĩa là họ có thể vẽ một đường giới tuyến chia đôi Thái Bình Dương và nói 'Các ông ở phía Đông, còn chúng tôi sẽ kiểm soát mọi thứ ở phía Tây theo đường 9 đoạn'. Điều này là không thể chấp nhận được". Nhà Trắng cũng đã thuyết phục G-7 ra tuyên bố chung về Biển Đông. Trung Quốc đã phản ứng bằng lời phàn nàn rằng khối này chỉ nên gắn kết về chính sách kinh tế. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Robert Harris, thậm chí còn đến Lào (một quốc gia không có biển) để giải thích về vụ kiện của Philippines.
Tân Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, người chủ trương quan hệ thân thiện với Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm, ngày 5/7 vừa qua cũng đã tuyên bố rằng Manila sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về hợp tác hàng hải với Bắc Kinh. Song có lẽ ông Tập Cận Bình khó có thể xuống thang sau khi đã lợi dụng việc bảo vệ những tuyên bố chủ quyền để thổi bùng tâm lý chủ nghĩa dân tộc, củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như quyền kiểm soát đối với quân đội. Theo phán đoán của một số nhà phân tích, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ có những hành động quyết đoán hơn trên Biển Đông và cho tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough thành một hòn đảo nhân đạo. Nếu làm được như vậy, Trung Quốc sẽ có tiền đồn đầu tiên ở phía Đông Biển Đông, cách đảo Hải Nam hơn 400 dặm và chỉ cách bờ biển Philippines 120 dặm.
Paul S. Reichler, Trưởng nhóm luật sư được Philippines thuê tham gia vụ kiện nói trên, cho rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA, các quốc gia khác sẽ liên kết để chống lại họ. Ông nói: "Trung Quốc sẽ đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc có sự thỏa hiệp hoặc gây thù oán với các nước láng giềng và đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn kéo dài".