Bài viết có nội dung đặt nhiều kỳ vọng vào việc PCA sẽ đưa ra phán quyết một cách toàn diện, rõ ràng và phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bào viết trên trang Korea Post. |
Theo tác giả, một phán quyết như vậy sẽ giúp nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tác giả cũng cho rằng dù là nước lớn hay nước nhỏ, tất cả các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Dưới đây là toàn văn nội dung bài viết:
Vào ngày 22/1/2013, Philippines với tư cách là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Theo cáo trạng, những tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc đối với Biển Đông đã đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, phía Philippines cho rằng phía Trung Quốc đã đưa ra những diễn giải và áp dụng sai trái các Điều 279, 283 và 284 của UNCLOS. Cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Động thái của Philippines được coi là một giải pháp tối ưu và hợp pháp, phù hợp với chuẩn mực quốc tế sau khi nước này không thể giải quyết tranh chấp với Trung Quốc thông qua đàm phán hòa bình song phương.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh gần đây tại Nhật Bản, lãnh đạo các nước G7 đã thông qua một tuyên bố tái khẳng định cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các quy định, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như đã được nêu trong UNCLOS, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình được hỗ trợ bằng các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có cả hình thức thông qua các biện pháp pháp lý.
Các nước thành viên ASEAN cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc sử dụng các biện pháp hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp. Trong Tuyên bố chung về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông năm 2014, ngoại trưởng các nước ASEAN đã kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thế giới công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có cả UNCLOS.
Trong Tuyên bố Báo chí của Chủ tịch cuộc họp kín của ngoại trưởng các nước ASEAN tại Vientiane, Lào, vào tháng 2/2016, các vị bộ trưởng đã một lần nữa tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, kể cả việc tôn trọng tuyệt đối các tiến trình pháp lý và ngoại giao, mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thế giới công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có cả UNCLOS.
Lập trường của Trung QuốcLà một thành viên của UNCLOS nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Theo phía Trung Quốc, vụ kiện của Philippines không nằm trong quyền xét xử của Tòa án Trọng tài vì vụ này liên quan đến việc thụ hưởng và thực hiện quyền chủ quyền và việc phân định ranh giới biển, vốn là những trường hợp ngoại lệ được bảo lưu như Trung Quốc đã tuyên bố.
Trung Quốc cũng tuyên bố rằng vụ kiện của Philippines là một sự vi phạm đối với Tuyên bố về hành vi của các bên trên Biển Đông năm 2002, văn bản quy định rằng thương lượng song phương là cách để giải quyết các tranh chấp về biên giới và các tranh chấp khác.
Gần đây, Trung Quốc đã phát động một “chiến dịch” nhằm răn đe phán quyết của Tòa án Trọng tài và tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều nước khác. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã nhận được sự ủng hộ của 60 nước nhưng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết chỉ có 8 chính phủ đã công khai tuyên bố ủng hộ, còn đa số những nước còn lại thì đã tuyên bố ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vụ tranh chấp trên phù hợp với luật pháp quốc tế. Như vậy, sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết song phương vụ tranh chấp trên chỉ là do báo chí Trung Quốc rêu rao mà thôi.
Một điều quan trọng là cần phải ghi nhớ rằng trong khi lên tiếng phản đối vụ kiện của Philippines và phán quyết sắp được Tòa án Trọng tài đưa ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động cải tạo ở Biển Đông. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cải tạo trái phép hơn 3.200 mẫu (mỗi mẫu tương đương 0,4 hécta) đất ở khu vực Đông Nam của Biển Đông và hiện đang chuyển trọng tâm sang việc phát triển và đưa vũ khí tới những hòn đảo nhân tạo này. Đã có tin tức nói Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quyết định về quyền xét xử và khả năng chấp nhậnBất chấp lời phản đối và lập luận của Trung Quốc, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye ngày 20/10/2015 đã đưa ra quyết định đầu tiên của mình về vụ kiện của Philippines. Tòa tuyên rằng vụ kiện được “quy định đúng” theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện không thể ngăn cản quyền phán xét của tòa, và Philippines đã sử dụng đúng quyền của mình trong việc khởi kiện vụ này do vụ kiện liên quan đến tranh chấp giữa hai nước liên quan đến việc diễn giải và áp dụng UNCLOS. Như vậy, quyết định trên có nghĩa là PCA phán quyết ủng hộ Philippines về vấn đề quyền xét xử.
Ngoài Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) gần đây cũng nỗ lực can thiệp và gây ảnh hưởng với phán quyết của Tòa án. Đài Loan (Trung Quốc) đã công bố lập trường của mình về vấn đề Biển Đông, nộp văn bản tư vấn lên tòa án và đề nghị hòn đảo mang tên Taiping được quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, kiến nghị của Đài Loan là hoàn toàn vô giá trị vì Đài Loan không phải là thành viên của Liên hợp quốc hay UNCLOS.