Bài học từ sự lao dốc thị trường chứng khoán Trung Quốc

Những ngày qua, cả thế giới đã nín thở khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bất ngờ lao dốc, với tổng giá trị thiệt hại bằng 14 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp (khoảng 3.200 tỷ USD).

Giới phân tích cho rằng, sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán Trung Quốc là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nhà đầu tư theo dõi bảng chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 13/7. Ảnh: THX/TTXVN


Mất hơn 30% giá trị

Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015. Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%.

Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bất ngờ quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/6/2015, với tổng mức giảm lên tới hơn 30%, tương đương với mức “bốc hơi” của khoảng 3.200 tỷ USD.

Đây là mức suy giảm nghiêm trọng nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 1992. Theo Tập đoàn đầu tư Bespoke của Mỹ, nếu so sánh, con số 3.200 tỷ USD “bốc hơi” của Trung Quốc thì con số này bằng 14 lần GDP của Hy Lạp, quốc gia vừa tuyên bố vỡ nợ, nhiều hơn quy mô vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán Pháp và bằng khoảng 60% so với thị trường Nhật Bản.

Thị trường chứng khoán đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó, riêng hai tuần đầu, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã liên tiếp đánh mất 18% số điểm.

Các tỷ phú Trung Quốc cũng đau đầu chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi” nhanh chóng, khi giá cổ phiếu hạng A (blue chip) của nước này sụt giảm lan sang các cổ phiếu của Trung Quốc Đại lục niêm yết trên thị trường chứng khoán Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ.

Đối với Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, việc thị trường chứng khoán đổ vỡ trong tuần qua đã khiến một bộ phận lớn dân chúng thiệt hại nặng nề về tài sản. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng cầu tiêu thụ hàng hóa tại nước này, khiến nền kinh tế Trung Quốc càng thêm nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng đang suy giảm của Trung Quốc vì thế có thể giảm sâu hơn nữa.

Trước đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7,7% năm 2013 và giảm xuống còn 7,4% năm 2014. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 ở mức 7%, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Giới phân tích cũng lo ngại đà suy giảm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển của Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với thị trường bất động sản yếu hơn, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, và những lo sợ về sự xuống dốc hơn nữa của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của Everbright Securities tại Bắc Kinh, Xu Gao, cho rằng mặc dù dấu hiệu ổn định hay phục hồi vẫn chưa xuất hiện, song kinh tế Trung Quốc có thể cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục được nới lỏng, do lãi suất ngắn hạn thấp đã hạn chế tác động đối với nền kinh tế thực.

Trong khi đó, đối với thế giới, việc thị trường chứng khoán đổ vỡ khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc này. Hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Brazil, Nam Phi, Nhật Bản, Australia, Đức, Việt Nam… và rất nhiều nước khác.

Nguyên nhân vỡ “bong bóng”

Các chuyên gia phân tích cho rằng, “bong bóng” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bị vỡ là do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là do trong thời gian qua mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán không đi kèm với tăng trưởng kinh tế.

Trong khi kinh tế Trung Quốc đang rơi vào trạng thái suy giảm kéo dài, với tốc độ tăng trưởng hiện GDP chỉ đạt 7%, thì giá cổ phiếu lại tăng cao mà không đi kèm với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã khiến chỉ số mức định giá (P/E) thị trường bị đẩy lên quá cao.

Ngay cả sau khi sụt giảm gần đây, chỉ số P/E của Shanghai Composite Index vẫn ở mức 23, trong khi đó Hang Shen Index của thị trường Hong Kong, nơi mà nhiều trong số các công ty tương tự của Trung Quốc niêm yết chỉ ở mức 12. Chỉ số Shenzhen Composite Index, thậm chí sau khi đi một phần ba điểm số, hiện có chỉ số P/E trung bình là 50.

Thứ hai, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ cuối năm 2014, để kích thích nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Điều này đã tạo ra niềm tin về việc nới lỏng tiền tệ giúp giá cổ phiếu ở Trung Quốc tăng cao nhanh chóng, tạo sức hút cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ước tính có khoảng 348 tỷ USD tiền vay mượn từ ngân hàng đã được các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc đặt cược vào chứng khoán.

Thứ ba, giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền của người dân Trung Quốc đổ dồn sang thị trường thay thế là đầu tư cổ phiếu. Sự hấp dẫn về lợi nhuận từ xu thế tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô tham gia vào thị trường, tạo thành một làn sóng đầu tư theo phong trào lan rộng khắp cả nước.

Tại thời điểm đó, đã có những cảnh báo rằng “bong bóng” chứng khoán đang được bơm căng này của Trung Quốc sẽ không thể trụ vững trong 6 tháng. Thế nhưng, những khoản lợi suất khổng lồ có lúc lên tới 77 lần chỉ trong 4 ngày đã khiến mọi lời cảnh báo đều bị bỏ ngoài tai.

Cùng với đó, chất lượng nhà đầu tư ở mức thấp, do tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường cao. Tuy số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh nhưng các nhà đầu tư đa số đều là nhà đầu tư cá nhân với trình độ học vấn ở mức thấp. Theo khảo sát, hơn 2/3 (%) số nhà đầu tư cá nhân này đều chưa học hết phổ thông, 25% mới học tiểu học…

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, lại chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.

Nguyên nhân cuối cùng là do tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao. Tỷ lệ vốn margin/giá trị số cổ phiếu floating thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.


Chính vì vậy, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu suy giảm, áp lực nợ nần buộc những nhà đầu tư cá nhân (chiếm phần lớn thị trường) ồ ạt bán tháo để thu hồi vốn càng nhanh càng tốt, cho dù tính trung bình giá cổ phiếu đã giảm hơn 50%. Điều này đã tạo thành một cơn địa chấn mạnh nhấn chìm thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Cho đến nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục đôi chút do những biện pháp “cứu trợ” khẩn cấp từ Chính phủ như: cấm cổ đông lớn và lãnh đạo của công ty niêm yết bán ra cổ phiếu trong 6 tháng tới; yêu cầu các công ty mua vào cổ phiếu và điều tra hoạt động “bán khống” trên thị trường…

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, những biện pháp nêu trên có thể giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên với mức định giá (P/E) vẫn còn rất cao, việc điều chỉnh giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc để về sát hơn giá trị thực có thể tiếp tục sẽ diễn ra và đây cũng là điều cần thiết sau khi thị trường này đã tăng quá nóng trong thời gian qua.

Tác động và bài học với Việt Nam

Đối với Việt Nam, sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc có thể làm tăng mức thâm hụt thương mại của Việt Nam, do Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất. Các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hàng nông sản.

Ngoài ra, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc có thể tăng lên do các nhà xuất khẩu Trung Quốc giảm giá thành sản phẩm thấp hơn nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa. Cuộc đổ bộ của hàng hóa Trung Quốc với giá thành rẻ hơn sẽ là mối lo ngại lớn với ngành sản xuất của Việt Nam. Đặc biệt, đối với những ngành sản xuất có sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ lại không ảnh hưởng xấu nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế gần 1 tháng qua, tuy thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm điểm cộng với việc Hy Lạp tuyên bố vỡ nợ nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại “lội ngược dòng” thành công. Hiện tại, VN-Index đang ở mức cao nhất trong năm 2015. Tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đến Việt Nam là rất thấp.

Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhằm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của thị trường chứng khoán đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ nước này. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.

Bên cạnh đó, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

Xét ở khía cạnh tích cực, những vấn đề của thị trường chứng khoán Trung Quốc lại là cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài.

Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.

Phương Nam (TTXVN)
Lựa chọn tránh “bão” chứng khoán của người giàu Trung Quốc
Lựa chọn tránh “bão” chứng khoán của người giàu Trung Quốc

Rất nhiều cá nhân sở hữu tài sản “khủng” tại Trung Quốc đang rút tiền khỏi thị trường chứng khoán, khi xuất hiện những dấu hiệu quá nóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN