Theo kênh BBC, gần cuối Chiến tranh Thế giới thứ nhất, dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu lan khắp thế giới, giết chết từ 50 đến 100 triệu người. Giữa đại dịch, vào tháng 9/1918, các thành phố khắp nước Mỹ định tổ chức diễu hành để quảng bá trái phiếu tự do nhằm bán lấy tiền giúp đỡ các nước châu Âu trong chiến tranh.
Tại Philidelphia, nơi có 600 binh sĩ mắc cúm, giới chức thành phố quyết định vẫn diễu hành. Còn ở Saint Louis, chính quyền hủy diễu hành và thực hiện biện pháp hạn chế tụ tập đông người. Một tháng sau, trên 10.000 người ở Philadelphia chết vì cúm Tây Ban Nha, còn số ca tử vong ở Saint Louis chưa đầy 700.
Mặc dù cuộc diễu hành không phải là lý do duy nhất khiến tỷ lệ tử vong khác nhau ở hai nơi, nhưng con số cho thấy tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch. Phó giáo sư dịch tễ và sức khỏe môi trường Arindam Basu tại Đại học Canterbury, New Zealand, nói: “Giãn cách xã hội là một cách thiết lập khoảng cách vật lý giữa hai hoặc nhiều người để ngăn chặn, phòng ngừa virus lây lan”.
Trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, dân số thế giới nhiều hơn năm 1918 tới 6 tỷ người. Dù cúm Tây Ban Nha khác với COVID-19 nhưng giãn cách xã hội vẫn là cách tốt nhất trong phòng chống đại dịch.
Theo ông Basu, do chưa có vaccine và thuốc đặc trị, con người chỉ có cách tốt nhất là phòng ngừa COVID-19. Nhiều nước đã thực hiện các biện pháp khác nhau để giãn cách xã hội ngằm chặn tốc độ lây lan dịch bệnh, như cấm tập trung đông người, đóng cửa khu vực công cộng, đóng cửa trường học, phong tỏa, buộc người dân ở nhà….
Theo tính toán, mỗi người nhiễm bệnh COVID-19 có thể truyền virus cho trung bình từ 2 tới 3 người trong giai đoạn đầu. Mức độ lây nhiễm này do các nhà dịch tễ tính toán bằng hệ số lây nhiễm. Cúm có hệ số lây nhiễm từ 1,06 tới 3,4 tùy vào tùng chủng. Đa số nhà dịch tễ tính toán hệ số lây nhiễm của COVID-19 là 1,4 đến 3,9.
Giai đoạn ủ bệnh thường là 5 ngày, có thể kéo dài tới 14 ngày hoặc hơn. Nếu ai đó nhiễm virus và tiếp tục gặp gỡ người khác như bình thường, người đó có thể truyền virus cho từ 2 đến 3 người khác.
Những người này lại tiếp tục truyền virus cho 2 đến 3 người nữa. Chỉ trong vòng một tháng, một người nhiễm virus có thể khiến 244 người nhiễm bệnh theo cách này. Trong hai tháng, con số sẽ vọt lên 59.604.
Phức tạp hơn là ở chỗ virus có thể lây sang người khác khi người nhiễm chưa có triệu chứng. Tình trạng lây lan thầm lặng này có thể xảy ra trong 10% số ca. Ước tính 1 đến 3% số người nhiễm bệnh không có triệu chứng và do đó không tự cách ly. Nhưng nếu họ thực hành giãn cách xã hội tốt, họ vẫn sẽ góp phần ngăn chặn virus.
Ở Vũ Hán (Trung Quốc), lệnh phong tỏa quy mô rộng đã khiến hệ số lây nhiễm ở đây giảm từ 2,35 xuống gần 1. Khi hệ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác.
Mô hình ở Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh. Càng phong tỏa sớm tại tâm dịch thì hệ số lây nhiễm càng thấp.
Một trong những mục tiêu chính của giãn cách xã hội là “kéo thẳng đường cong”, tức là trì hoãn virus lây lan trong cộng đồng và giảm số ca tại đỉnh dịch. Biểu đồ cho thấy số ca nhiễm virus sẽ đạt đỉnh nhanh hơn nhiều nếu không có giãn cách xã hội. Còn nếu có biện pháp này, số người nhiễm và số người cần chăm sóc đặc biệt hay nguồn lực cần huy động sẽ thấp hơn, không gây quá tải. Lý thuyết là vậy, còn trong thực tế, các nước có cách tiếp cận khác nhau.
Tại Anh, các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London đăng một nghiên cứu ngày 16/3. Họ dùng mô hình máy tính để dự báo cách virus lây lan trong hai trường hợp: chỉ cách ly người có nguy cơ nhất và người có triệu chứng; giãn cách xã hội toàn dân số và cách ly tại nhà với người có triệu chứng. Kết quả là nếu không áp dụng biện pháp nào, Anh có thể có 510.000 ca tử vong, còn Mỹ có thể có 2,2 triệu ca tử vong do COVID-19. Trong trường hợp đầu, số người chết sẽ giảm một nửa nhưng con số vẫn là hàng trăm nghìn.
Tại Italy, nước có dân số già và gia đình nhiều thế hệ chung sống, COVID-19 khiến nhiều người thiệt mạng hơn. Đây là vì tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi ước tính là 14,7%, so với 0,4% ở người từ 40-49 tuổi. Nhưng kể cả ở Italy, giãn cách xã hội dường như cũng có hiệu quả.
Các chiến lược khác nhau được thực hiện ở hai thị trấn Bergamo và Lodi đã dẫn tới số liệu khác nhau hẳn.
Tại Lodi, ngày 21/2 có ca nhiễm đầu tiên và hai ngày sau, giới chức đã áp dụng hạn chế đi lại. Ở Bergamo, những ca đầu tiên xuất hiện ngày 23/2 trong một số khu vực nhỏ nhưng thành phố này không thực hiện cách ly cho tới khi có lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 8/3.
Tới ngày 7/3, cả hai thành phố đều có khoảng 800 ca, nhưng tới 13/3, số ca ở Bergamo tăng lên 2.300, còn số ca ở Lodi chỉ khoảng 1.100. Cơ cấu tuổi ở hai nơi này tương tự. Điều đó cho thấy giãn cách xã hội có hiệu quả trong giảm số ca lây nhiễm.
Một nghiên cứu nữa ở bang Washington, Mỹ về quá trình lây lan các virus gây bệnh hô hấp nói chung cho thấy giãn cách xã hội có thể giảm sự lây lan của các bệnh này về lâu dài. Tháng 2/2019, bão tuyết đã khiến nhiều trường học và nơi làm việc đóng cửa. Sau đó, số ca mắc bệnh hô hấp giảm trong cả mùa đó từ 3-9%.
Việc tránh xa bạn bè, người thân không phải là điều dễ dàng. Có thể có một số hậu quả ngoài ý muốn do xa rời các nhóm xã hội. Về lâu dài, tình trạng này liên quan tới bệnh tim, trầm cảm, mất trí.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội không có nghĩa là ngừng mọi liên lạc. Khác với năm 1918, thời nay có vô số cách để liên lạc với người thân. Công nghệ cho chúng ta mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn, gọi điện video để kết nối với nhau.
Bằng chứng cho thấy giãn cách xã hội góp phần bảo vệ bản thân và cộng đồng, nên mỗi người cần hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện khi có yêu cầu.