Báo Izvestia viết rằng cựu nhân viên CIA đang lẩn trốn Edward Snowden cuối cùng ngày 1/8 đã có thể rời khỏi khu vực chuyển tải ở sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow sau khi Cơ quan di trú LB Nga (FMS) cấp cho anh qui chế tạm trú trong thời hạn 1 năm.
Ngay sau quyết định trên, thông qua luật sư Nga Anatoly Kucherea, Snowden đã bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả những người đã giúp đỡ mình.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thăm dò của “Trung tâm Levada” trong thời gian từ 18-22/7, thì phần lớn người Nga ủng hộ hành động của viên cựu nhân viên CIA cũng như việc trao cho anh quyền được tạm trú ở Nga. Trong cuộc thăm dò trên, 51% số người Nga được hỏi ủng hộ hành động của viên cựu điệp viên CIA. 18% số người được hỏi chỉ trích hành động chống lại chính phủ Mỹ của Snowden. Và 32% số người được hỏi không đưa ra quan điểm của mình.
Truyền hình Nga đưa tin về Edward Snowden ngày 1/8. Ảnh: THX-TTXVN |
Trong khi đó 43% số người Nga được hỏi ủng hộ việc trao cho Snowden qui chế tạm trú tại nước này. 28% cho rằng quyết định này không đúng đắn và 28% cho biết họ chưa thể đưa ra quan điểm trong vấn đề này. Tuy nhiên, cũng theo “Trung tâm Levada” thì 53% người Nga có thái độ tốt hoặc rất tốt với Mỹ. Số người Nga có quan điểm chống Mỹ là 36%. Trong khi đó có tới 63% người Nga “đồng cảm” với Liên minh châu Âu (EU), và 24% người Nga không tin tưởng vào EU.
Phó Giám đốc “Trung tâm Levada”, ông Alexei Grazhdankin lưu ý rằng tình cảm của người Nga đối với Mỹ và phương Tây nhìn chung đã trở nên thân thiện hơn. Ông đánh giá: “Trong vòng 20 năm trở lại đây, chỉ năm 1999 và năm 2008 là Nga không ‘đồng cảm’ với Mỹ. Năm 1999 là vụ ném bom Nam Tư trước đây. Và năm 2008 là do cuộc chiến tại Grudia. Bất chấp những lời lẽ chống Mỹ của chính quyền Nga, quan điểm của người dân Nga về Mỹ chỉ thay đổi khi rõ ràng Nga đã thua Mỹ trên vũ đài quốc tế”.
Theo “Trung tâm Levada”, việc ủng hộ hành động của Snowden và lên án chính quyền Mỹ muốn truy tố anh này không chỉ là quan điểm của những người Nga có tâm lí chống Mỹ mà chính do thực tế chính Snowden đã đặt nhân quyền lên trên những lợi ích của chính phủ nước anh (Mỹ). Ông Grazhdankin phân tích rằng hành động bảo vệ nhân quyền chính là nguyên nhân dẫn tới sự đồng cảm. “Ngoài ra, những người Nga ủng hộ Snowden nhiều nhất là những người độ tuổi từ 25-40, lớn lên trong giai đoạn ‘perestroika” thập niên 1990, vốn là giai đoạn đỉnh điểm những thay đổi dân chủ ở Nga”.
Thành viên Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Igor Morozov cho rằng người Nga đồng cảm với người dân Mỹ bình thường, cũng như xã hội Mỹ nói chung. Vì vậy họ chỉ trích chính sách của Washington khi bày tỏ quan điểm ủng hộ hành động của Snowden. Ông này lập luận: “Nhiều công dân Nga có quan hệ bạn bè, làm ăn và họ hàng với Mỹ. Và từ đó nảy sinh sự đồng cảm. Tuy nhiên chính quyền Mỹ đã chĩa mũi dùi và người đã bảo vệ các giá trị dân chủ - đó là quyền tự do, tự do cá nhân, và điều này đương nhiên dẫn tới quan điểm chỉ trích của các công dân (Nga)”.
Thiếu tướng về hưu của Cơ quan Cảnh vệ Liên bang Nga (FSO) Boris Ratnikov thì nhấn mạnh tới thực tế quan điểm ủng hộ trao qui chế tạm trú cho Snowden là của đại bộ phận, chứ không phải của đa số người Nga. Ông Ratnikov đặt câu hỏi: “Snowden có lợi ích gì khi đã nói ra tất cả? Chính vì vậy ủng hộ chỉ là một việc, còn trao qui chế và gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ lại là một việc khác”. Tuy nhiên Ratnikov bày tỏ tin tưởng bất chấp việc Snowden đã được ở lại Nga, Mỹ vẫn có cơ hội để tóm anh này.
Ông bình luận: “Có rất nhiều áp lực đòn bẩy đè lên Nga. Hệt như WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) có thể thực sự làm phức tạp đời sống của chúng ta. Hay như ‘danh sách Magnitsky’. Nếu đó là một quyết định rõ ràng để bảo vệ Snowden, anh này phải được trao qui chế công dân Nga. Còn với qui chế tạm trú – anh ta không phải là người Nga, cũng chẳng phải người Mỹ”.
Duy Trinh(theo Izvestia)