"Báo Độc lập" (Nga) ngày 4/12 cho rằng nhiệm vụ của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden gần như là bất khả thi khi mà nước này vừa muốn cổ súy Nhật Bản, lại vừa không muốn chọc giận Trung Quốc.
Thực tế, Nhà Trắng đã ra một đầu bài quá khó cho Phó Tổng thống Joseph Biden, khi ông này đến Viễn Đông để thuyết phục Nhật Bản tin tưởng vào những cam kết đồng minh với Tokyo, cùng lúc lại phải thuyết phục Bắc Kinh không leo thang căng thẳng. Tóm lại, Mỹ dường như đang muốn cùng lúc có cả Mặt Trăng, lẫn Mặt Trời, khi muốn được lòng cả hai cường quốc châu Á, vốn đang mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, chừng nào còn muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, thì chừng đó Mỹ còn phải "trau chuốt" với vở kịch mà họ sắm tới hai vai.
Biden bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản với tuyên bố rằng Mỹ đặc biệt lo ngại trước việc Trung Quốc xác định một khu vực phòng không của mình (ADIZ) trên các đảo tranh chấp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun, ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ là một cường quốc tại Thái Bình Dương trên mọi phương diện kinh tế, ngoại giao và quân sự.
Cam kết này giống như một "lá bùa" để Nhật Bản xua tan nghi ngờ và tin tưởng vào việc Mỹ sẵn sàng thực hiện mọi cam kết của mình theo Hiệp ước an ninh song phương, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc châu Á. Có vẻ như sau khi đưa máy bay ném bom B-52 của mình bay qua vùng áp đặt ADIZ của Trung Quốc, Mỹ đã thể hiện thái độ đứng về phía Nhật Bản một cách rõ ràng hơn. Nhưng dù thế nào, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng Mỹ nên thực hiện việc thông báo theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Và điều đó vô hình trung trở thành một sự công nhận gián tiếp các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nó cũng chứng tỏ lập trường chưa nhất quán của Washington. Ngoài ra, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo của đồng minh, ông Binden cũng kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc nên chủ động thực hiện các bước đi nhằm xây dựng lòng tin và thiết lập một cơ chế "tự giải quyết khủng hoảng". Trong khi đó, tờ New York Times cũng bật mí rằng sau chuyến thăm và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Tổng thống Biden sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này, chẳng phải là Mỹ đang muốn làm đẹp lòng cả hai bên đó sao.
Trước thềm chuyến đi, các trợ lý của ông Biden cũng nhấn mạnh rằng ông không muốn tuyên chiến trên bình diện ngoại giao với Bắc Kinh và sẽ không để sự xung đột phủ bóng đen lên các chủ đề đàm phán với Trung Quốc, mà trước hết là về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương và các thỏa thuận xung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Báo Nga đặt câu hỏi vậy các cơ hội và sứ mệnh của Biden trong chuyến đi này là gì? Chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Victor Pavlyatenko cho biết: "Trung Quốc và Nhật Bản có những ân oán chưa thể giải quyết từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi Chu Ân Lai và Kakuei Tanaka thỏa thuận gác lại vấn đề tranh chấp biển đảo, nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Thỏa thuận này sau đó đã được lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và đại diện Nhật Bản xác nhận vào năm 1978.
Việc thành lập khu vực ADIZ - là "đáp từ" của Bắc Kinh trước việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong 5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản. Tuy nhiên, bước đi địa chính trị của Trung Quốc đã không thay đổi được bất cứ điều gì. Máy bay chiến đấu của Mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục bay qua vùng mà Trung Quốc đòi hỏi phải thông báo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm mất mặt Bắc Kinh". Nhà nghiên cứu Pavlyatenko kết luận rằng: "Trung Quốc sẽ không hủy bỏ ADIZ, song sẽ tự tìm kiếm lối thoát. Có thể đó sẽ là cùng ngồi lại với Mỹ và Nhật Bản để tìm ra giải pháp chấp nhận được. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng kiềm chế, để sự việc tự nó lắng xuống, đến mức dư luận quốc tế không còn quan tâm đến nữa".
Trong khi đó, ông Tom Donilon, một cựu trợ lý an ninh quốc gia của Obama, chỉ ra rằng tình hình không đến mức lạc quan như vậy, mà thậm chí còn có nguy cơ sự tính toán sai lầm của các bên có thể dẫn đến đụng độ vũ trang.
Một quan chức khác của Mỹ cho rằng vấn đề không nằm ở những tranh chấp hải đảo. "Rõ ràng Trung Quốc đang muốn thay Mỹ kéo dài hải giới đến tận Thái Bình Dương. Cựu giám đốc Lầu Năm Góc Robert Gates vào năm 2011 cũng đã khuyến cáo: "mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh chính là mở rộng hải phận và không phận của mình, tranh giành ngôi vị với Mỹ chứ không phải Nhật Bản".
Quế Anh(Phóng viên TTXVN tại Nga)