Bất ổn chính trị tại Thái Lan: Đánh giá và dự báo

Sau khoảng 2 năm được cho là bình lặng, tình hình chính trị tại Thái Lan bỗng nổi sóng, với hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn của cả hai phe chống đối và ủng hộ Chính phủ, được cho là lớn nhất từ năm 2010 - thời điểm Thái Lan rơi vào bất ổn với làn sóng đụng độ bạo lực làm hơn 90 người chết. Bất ổn lần này có đặc điểm gì nổi bật? Chính trường Thái Lan sẽ đi về  đâu? - đó là những câu hỏi cần được làm rõ.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: AP


Diễn biến chính trị và tính chất các cuộc biểu tình

Bất ổn chính trị tại Thái Lan bắt nguồn từ việc Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tìm cách thông qua dự luật ân xá gây tranh cãi. Phe đối lập xem đây là nỗ lực của đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền nhằm xóa tội đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, mở đường để ông trở về nước không phải chịu án tù, sau một thời gian dài sống lưu vong. Dự luật trên sau đó bị Thượng viện Thái Lan gác lại, nhưng chừng đó cũng đủ để phe đối lập phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn, lên đến cả 100.000 người dưới sự dẫn dắt của của ông Suthep Thaugsuban, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan, nghị sĩ đảng Dân chủ.

Trên đường phố, có vẻ như lực lượng của ông Suthep đang áp dụng lại chính kịch bản mà Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) - tức phe “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin từng tiến hành hồi năm 2010 nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Người biểu tình phe đối lập bao vây, chiếm giữ trụ sở của nhiều bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp...

Trong Quốc hội, đảng Dân chủ của ông Abhisit có mối liên hệ với lực lượng chống chính phủ cùng lúc phát động cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Yingluck, được thảo luận và tiến hành trong hai ngày 27-28/11. Các cáo buộc được đưa ra là: bà Yingluck yếu kém trong lãnh đạo, điều hành đất nước, lạm dụng quyền lực, thất bại trong bài trừ tham những, để nền kinh tế Thái Lan tụt dốc...

Về phần mình, sau “canh bạc” dự luật ân xá đầy mạo hiểm, Thủ tướng Yingluck đã có sự điều chỉnh hợp lý, vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Ngày 25/11, chính quyền tuyên bố áp đặt Luật an ninh nội địa tại Bangkok và vùng phụ cận, tiếp sau đó đề nghị phê chuẩn lệnh bắt ông Suthep được gửi tới Tòa án hình sự. Bên cạnh đó, bà Yingluck khẳng định chính phủ sẽ không sử dụng bạo lực, kêu gọi người dân tôn trọng luật pháp, không biểu tình trái phép. Ngày 27/11, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phe đối lập để tìm ra một giải pháp hòa bình, chấm dứt bất ổn chính trị. Ngày 28/11, bà đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, với 297 phiếu tín nhiệm và 134 phiếu bất tín nhiệm.

Làn sóng biểu tình quy mô lớn đã diễn ra được gần một tuần. Nhưng có vẻ như phe đối lập đã không có được tính chính danh và sự tường minh cần thiết, thể hiện qua sự thiếu nhất quán ở mục đích hành động. Đầu tiên, ông Suthep kêu gọi biểu tình để phản đối dự luật ân xá, sau chuyển sang diệt trừ “bộ máy chính quyền” của ông Thaksin, loại trừ “hội chứng Thaksin” trong đời sống xã hội Thái Lan và cuối cùng là yêu sách lật đổ bà Yingluck, đảng Puea Thai, lập ra “hội đồng nhân dân” có thực quyền chọn ra một Thủ tướng và Nội các mới. Đâu đó đã xuất hiện đánh giá về những động cơ ẩn kín của phe đối lập trong cuộc đấu tranh này. Theo đó, ông Suthep và những người cùng phe hiểu rằng, tại thời điểm hiện nay và trong một vài năm tới, ít có đảng nào, kể cả đảng Dân chủ có khả năng lật ngược thế cờ, lên nắm quyền qua bầu cử, vì ảnh hưởng của đảng Thai Rak Thai trước đây và Peu Thai hiện nay đã ăn sâu vào nhận thức của tầng lớp nông dân, người lao động vốn chiếm số đông trong xã hội Thái Lan. Đấu tranh chính trị phi nghị trường vì thế là cách để phe đối lập khẳng định tiếng nói, tầm ảnh hưởng của mình.

Chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu?

Dư luận quốc tế và trong nước đều quan ngại về bất ổn hiện nay ở Thái Lan. Đã xuất hiện đánh giá về sự ra đi của bà Yingluck kèm theo một cuộc đảo chính quân sự - như những gì đã xảy đến với ông Thaksin hồi năm 2006. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khả năng này là ít, tình hình vẫn nằm trong vòng kiểm soát của chính phủ.

Người biểu tình chống chính phủ uy hiếp trụ sở Cục Điều tra đặc biệt Thái Lan hôm 27/11. Ảnh: AFP


Bất ổn trong xã hội Thái Lan được biểu hiện ra bên ngoài là mâu thuẫn giữa hai lực lượng tạm gọi là “áo đỏ” và “áo vàng”. Tuy nhiên, ẩn sau đó còn có hai yếu tố mang tính quyết định nhất đối với cục diện chính trị tại đất nước chùa Vàng - đó là vai trò của Hoàng gia và quân đội. Tuy chỉ nắm quyền lực mang tính biểu tượng trong thể chế quân chủ lập hiến, nhưng tiếng nói của Hoàng tộc và Nhà Vua Thái Lan có sức nặng chính trị lớn, có khả năng quy phục được các tầng lớp nhân dân bất kể là người thuộc phái nào. Nói đến Đức Vua, mọi người dân Thái Lan đều thể hiện tình cảm tôn kính, cảm phục. Một chỉ dụ của Vua Bhumibol cũng có thể tạo ra bước ngoặt trên chính trường. Giúp việc, cố vấn cho Nhà Vua là Hội đồng cơ mật Hoàng gia (Privy Council - PC) - một ủy ban gồm 8 thành viên, chuyên hoạt động sau bức màn kín, đưa ra những đề xuất mật, kiến nghị chính sách đối với Hoàng gia trước những vấn đề của đất nước. Bên cạnh đó, quân đội Thái Lan - dù là lực lượng đứng trung lập trên danh nghĩa, cũng là nhân tố có tiếng nói quyết định trong đời sống chính trị ở Thái Lan, với nhiều lần tiến hành đảo chính, gần đây nhất là việc lật đổ ông Thaksin.

Rút kinh nghiệm từ người anh trai, ngay từ khi lên nắm quyền, bà Yingluck đã tìm cách tạo dựng mối quan hệ gần gũi với Hoàng gia và trên thực tế đã giành được sự ủng hộ từ lực lượng chính trị này. Phát biểu nhân dịp sinh nhật lần 94 hôm 25/8/2013, Chủ tịch Hội đồng cơ mật Hoàng gia Prem Tinsulanoda đã kêu gọi lực lượng vũ trang hoàng gia ủng hộ Thủ tướng Yingluck vì lợi ích của quốc gia và dân tộc; yêu cầu bà Yingluck chăm lo đất nước, tạo đoàn kết trong chính phủ, quân đội và xã hội Thái Lan.

Trên cương vị là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, bà Yingluck có điều kiện thuận lợi hơn ông Thaksin trong xử lý mối quan hệ được cho là nhạy cảm giữa chính phủ với quân đội. Hồi tháng 9, Thủ tướng Yingluck đã đệ trình và được Nhà Vua phê chuẩn kế hoạch cải tổ quân đội, với nhiều thay đổi về nhân sự quan trọng. Đối với chức danh Tư lệnh Lục quân - người có thực quyền rất lớn, bà Yingluck tế nhị để Đại tướng Prayuth Chan-ocha tại vị, dù ông này được cho là người có quan điểm cứng rắn, có liên quan đến sự ra đi của ông Thaksin, đồng thời là người chỉ đạo đàn áp biểu tình hồi năm 2010. Tham mưu trưởng lục quân Udomdej Sitabutra - người theo quan điểm ủng hộ Hoàng gia, được đôn lên làm Phó tư lệnh, chuẩn bị thay thế tướng Prayuth nghỉ hưu vào năm sau. Tướng Nipat Thonglek, người theo đảng Puea Thai, được bổ nhiệm làm Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng.

Đảo chính quân sự ít có khả năng xảy ra, vậy đâu sẽ là kịch bản cho những diễn biến tiếp theo? Không khó để nhận ra rằng, số phận của cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là chủ đề nhạy cảm bậc nhất trong xã hội Thái Lan. Còn người dân nước này cũng đã mệt mỏi với những cuộc biểu tình chính trị kéo dài triền miên nhiều năm. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Hoàng gia chưa lên tiếng, còn quân đội khẳng định sẽ giữ thế trung lập như lời Đại tướng Prayuth, có lẽ cả cả hai bên “áo vàng” và “áo đỏ” không thể mạo hiểm có những bước đi vượt giới hạn. Tạm thời để “hội chứng Thaksin” lắng xuống và chấm dứt biểu tình có lẽ là giải pháp chấp nhận được với các bên. Có lẽ vậy mà ông Suthep đã từng tuyên bố sẽ kết thúc chiến dịch biểu tình trước ngày 5/12/2013, ngày Quốc khánh và cũng là ngày sinh nhật Nhà Vua Thái Lan?


Hoài Thanh

Người biểu tình Thái Lan xông vào trụ sở quân đội
Người biểu tình Thái Lan xông vào trụ sở quân đội

Hàng nghìn người biểu tình đã xông vào trụ sở quân đội tại Bangkok, kêu gọi quân đội ủng hộ nỗ lực hạ bệ chính phủ của họ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN