Bầu cử Mỹ: Bên trong 'boongke' phòng COVID-19 kỳ lạ của ông Joe Biden

Gần như mọi thứ trong chiến dịch của ông Biden đã bị đảo lộn, từ việc gây quỹ cho đến cách thức để tấn công đối thủ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden đã phải chuyển sang "online", đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

Bài học lịch sử - đại dịch cúm Tây Ban Nha

Đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden lúc này đang lội ngược dòng lịch sử. Họ đang nghiên cứu kỹ lại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 1918, năm xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha, khi các cuộc tụ tập lớn bị cấm ở nhiều nơi và các ứng cử viên buộc phải phát minh ra những cách thức mới để duy trì liên lạc với cử tri cũng như điều hành chiến dịch của họ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm đó giảm mạnh xuống còn 40%, từ mức 50% trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1914.

“Chúng tôi đã lần lại và xem xét cuộc bỏ phiếu năm 1918, khi mà tỷ lệ đi bầu xuống thấp nhưng cuộc bỏ phiếu vẫn được tổ chức, Quốc hội vẫn đủ ghế”, Anita Dunn, một trong những cố vấn hàng đầu của ứng cử viên sáng giá nhất đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cho biết.

Khi còn làm việc tại Nhà Trắng thời Tổng thống Obama, Dunn đã từng nghiên cứu về đại dịch năm 1918 để giúp chuẩn bị ứng phó với dịch H1N1 năm 2009.

“Năm 1918, làn sóng dịch đầu tiên vào mùa Xuân rất nghiêm trọng rồi rút đi”, cô nói . “Sau đó, nó quay lại mạnh mẽ khi thời tiết lạnh trở lại vào tháng 9, 10 và 11 với một đợt sóng dịch lớn hơn. Từng có một cảm giác sai lầm, ‘OK, nó đã qua'”. Và một bài học lớn mà Dunn rút ra từ lịch sử đó là không ai biết một trận đại dịch sẽ "hành xử" ra sao.

Việc các chiến lược gia của ông Biden tìm kiếm tiền lệ lịch sử là nhằm giúp họ hiểu được thực tế mới kỳ lạ của việc điều hành một chiến dịch tranh cử tổng thống tại một quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi trận đại dịch đã thay đổi hoàn toàn chính trường năm 2020 trong tháng 3.

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 17/3 tại 4 bang và hiện nhận được hơn một nửa số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tranh cử giữa đại dịch, những cái khó của Joe Biden

Từ các hoạt động như gây quỹ, vận động "gõ cửa", tổ chức mít tinh, cho đến những giả định cơ bản nhất về nền kinh tế hay cách công chúng nhìn nhận Tổng thống Trump, gần như mọi thứ cần phải đánh giá lại. Tổng hành dinh chiến dịch của ông Joe Biden ở Philadelphia đã bị bỏ không bởi lệnh phong tỏa, hạn chế phòng dịch. "Toàn bộ mọi người trong chiến dịch đều làm việc từ xa", Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông của ứng cử viên Joe Biden cho biết. 

Ngày mà đối thủ Bernie Sanders được cho là sẽ bị đánh bại không chính thức trong cuộc đua giành suất đề cử của đảng Dân chủ đã không xảy ra bởi một loạt cuộc bầu cử sơ bộ bị hủy vì dịch bệnh. Ông Biden đã lên kế hoạch sử dụng chiến thắng được dự đoán ở bang Georgia hôm 24/3 vừa qua để kết thúc cuộc đua sớm với tư cách "vị thế đại biểu không thể vượt qua". 

Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cuộc bầu cử sơ bộ tại Georgia đã được lùi lại vào tháng 5, còn ông Biden rút đến một studio tạm thời, ngay trong hầm nhà ông ở Delaware để phát các video nội dung khá nghèo nàn, lại phải cạnh tranh với những thông báo liên quan tình hình dịch bệnh từ các quan chức đương nhiệm như Tổng thống Trum hay Thống đốc New York Andrew Cuomo.

Vấn đề chính trị lớn đầu tiên là liệu chiến dịch của Thượng nghị sĩ (TNS) Bernie Sanders có bất kỳ cơ hội nào “trở về từ cõi chết” hay không. Trong lúc nhiều cuộc bầu cử sơ bộ được dời lại đến tháng 5 và tháng 6, ông Biden khó có thể chứng minh mình là “ứng viên dẫn đầu không thể thay đổi” cho đến tận mùa Hè.

Đại dịch đã bùng nổ và "chen chân" vào như một vấn đề duy nhất có ảnh hưởng lúc này. Đội ngũ chiến dịch của ông Biden đang không vạch rõ được điều gì có thể thay thế các cuộc mít tinh vận động truyền thống của một chiến dịch tranh cử tổng thống. Lâu nay, trong thời kỳ khủng hoảng, khi sự chú ý tập trung chủ yếu vào những người đang nắm chính quyền, thì ông Biden đối mặt với hai vấn đề lớn. Trước hết là làm thế nào ông có thể thực sự tổ chức bất kỳ sự kiện nào bên ngoài "boongke" của mình, mà gây được sự chú ý của công chúng và truyền thông.

Chú thích ảnh
Tổng thổng Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Phó Tổng thống Joe Biden (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ hai là ông có thể nói gì về đối thủ Trump trong lúc này? Đây quả là một vấn đề mới cho đảng Dân chủ. Kể từ khi tỷ phú Donald Trump đi xuống thang cuốn tại Tháp Trump vào năm 2015, tuyên bố sẽ tranh cử, đảng Dân chủ đã không do dự trong bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào ông. Còn lúc này, lần đầu tiên một số người phe Dân chủ đang tự hỏi liệu tung đòn tấn công lúc này họ có phải trả giá đắt hay không.

Một cố vấn của ông Biden cho biết: “Mặc dù tôi không thích Tổng thống Trump và cho rằng ông ấy đang làm rất tệ, nhưng vẫn có nguy hiểm khi tấn công ông ấy bây giờ có thể bị 'phản đòn'. Tôi không nghĩ rằng công chúng muốn nghe những lời chỉ trích ông Trump ngay lúc này”.

Trong khi đó, ông Biden lại đang bị tước khỏi một trong những thế mạnh chính trị lớn nhất của mình. Biden phát triển mạnh về kết nối cá nhân, nhưng đại dịch đã cướp đi của ông các cơ hội gặp gỡ. Các thành viên chiến dịch của ông hiện đang phải suy tính rất nhiều về cách thúc đẩy các kết nối con người trong khi tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.

“Chúng tôi đang suy tính nhiều về một chiến dịch ‘ảo’ sẽ ra sao và làm thế nào chúng tôi đảm bảo rằng Biden có thể có mối liên hệ trực tiếp với cử tri khi ông ấy không bước ra ngoài đời thực. Làm thế nào chúng tôi có thể thực hiện điều đó online?”, Giám đốc truyền thông Bedingfield nói.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là đại dịch COVID-19 đã gạt chiến dịch của Joe Biden sang một bên, và nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Cả hai khiến nhiều đảng viên Dân chủ lo ngại rằng hoạt động gây quỹ của ông Biden đã bị đình trệ nghiêm trọng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Cảnh sát Ấn Độ 'sáng tạo' đủ kiểu phạt người vi phạm phong tỏa
Cảnh sát Ấn Độ 'sáng tạo' đủ kiểu phạt người vi phạm phong tỏa

Từ véo tai, ăn gậy cho đến quỳ gối, chống đẩy, cảnh sát Ấn Độ đang sử dụng nhiều kiểu hình phạt để buộc người dân tuân thủ lệnh phong tỏa ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN