Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống el-Sisi trong cuộc bầu cử lần này lên tới hơn 92%, trong khi đối thủ duy nhất của ông là Chủ tịch đảng Ghad Moussa Mostafa Moussa chỉ giành 2-3% số phiếu. Khoảng 25 triệu cử tri trong số 60 triệu cử tri, chiếm hơn 40%, đã đi bỏ phiếu. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 2/4 tới và chắc chắn người dân Ai Cập sẽ không phải đi bỏ phiếu vòng 2.
Kết quả này hoàn toàn không gây bất ngờ bởi chiến thắng của Tổng thống el-Sisi đã được dự đoán trước. Nếu so với cuộc bầu cử năm 2014, khi Tổng thống el-Sisi giành chiến thắng với gần 97% phiếu bầu, thì việc ông tiếp tục giành tới hơn 90% số phiếu đã phản ánh sự ủng hộ và mong muốn của người dân "xứ sở Kim Tự Tháp" đối với chính trị gia được đánh giá là "xuất chúng" này nhằm đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Nói như nhà phân tích Abdel-Gawad của Ai Cập, những thành tựu trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống el-Sisi, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố và khôi phục an ninh, đã thuyết phục hàng triệu người dân Ai Cập đi bỏ phiếu trong 3 ngày qua.
Sự ủng hộ tuyệt đối của cử tri cho thấy những chính sách của chính quyền Tổng thống el-Sisi 4 năm qua đã được người dân Ai Cập tin tưởng. Nói cách khác, cuộc bầu cử lần này đã khẳng định một lần nữa lòng tin của người dân Ai Cập đối với Tổng thống el-Sisi.
Trên thực tế, từ những người dân nghèo đến những doanh nhân lớn ở Ai Cập đều thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống el-Sisi vì những nỗ lực đáng kể của ông trong cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy nền kinh tế cũng như mang lại sự ổn định và an ninh cho đất nước.
Người dân làng Abu Shosha, tỉnh Qena, cách thủ đô Cairo khoảng 650 km về phía Nam cho biết chỉ cảm thấy an toàn sau khi Tổng thống el-Sisi lên lãnh đạo đất nước bởi người dân ở đây không hề biết thế nào là an ninh trong giai đoạn từ năm 2011-2014, đó là chưa kể các quốc gia xung quanh vẫn đang chìm trong bất ổn. Phần lớn người dân Ai Cập đều tin rằng chính quyền hiện nay đã cứu họ thoát khỏi những tình cảnh hỗn độn tương tự như ở Syria, Libya hay Yemen.
Còn với tầng lớp doanh nhân, chính những cải cách kinh tế được đánh giá là khắc khổ, sự ổn định chính trị và các dự án phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng được triển khai trong 4 năm qua đã giúp các công ty vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sau làn sóng bất ổn năm 2011.
Tỷ phú Naguib Sawiris nhấn mạnh chính Tổng thống el-Sisi là người "đã đưa ra các quyết định táo bạo đó và ông ấy cần một nhiệm kỳ 2 để hoàn tất các bước đi này". So với thời kỳ trước năm 2014, bức tranh kinh tế Ai Cập đã có nhiều nét tươi sáng, dự trữ ngoại tệ đã tăng hơn gấp đôi, các nhà đầu tư và đặc biệt là khách du lịch đã quay trở lại, trong khi thâm hụt ngân sách đang trên đà giảm mạnh.
Mới đây, chính phủ cũng vừa thông qua kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2018/2019 (bắt đầu từ 1/7/2018 - 30/6/2019) với mục tiêu có thể đạt mức tăng trưởng GDP 5,8%, cao hơn so với mức 0,6% đã đặt ra trong tài khóa 2017-2018. Mục tiêu đầy tham vọng này chính là minh chứng rõ rệt nhất đối với những kết quả tích cực mà cải cách kinh tế mang lại.
Ở một quốc gia Hồi giáo, với gần 90% dân số theo đạo Hồi, việc Tổng thống el-Sisi nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng thiểu số Cơ Đốc giáo, cũng là điều đặc biệt. Người phát ngôn cộng đồng Cơ Đốc giáo Boulos Halim cho biết đa số người theo đạo Cơ Đốc đều ủng hộ Tổng thống el-Sisi tiếp tục lãnh đạo đất nước bởi thực tế an ninh đã được tăng cường trên khắp đất nước, nhất là sau làn sóng tấn công người Cơ Đốc giáo hồi năm 2016 do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Ai Cập tiến hành.
Bên cạnh đó, Tổng thống el-Sisi cũng rất quan tâm đến đời sống của người Cơ Đốc giáo khi tiến hành xây dựng nhiều nhà thờ mới cho họ. Chính những quyết sách hợp lòng dân này đã giúp Tổng thống el-Sisi không chỉ "ghi điểm" đối với cộng đồng Cơ Đốc giáo và còn bảo vệ những thành tựu mà ông đã dày công gây dựng trong 4 năm qua trước âm mưu phá hoại của các tổ chức cực đoan, trong đó có nhóm Hasm có quan hệ với tổ chức "Anh em Hồi giáo" nhằm phá hoại nền hòa bình và an ninh, cũng như gây chia rẽ đoàn kết giữa cộng đồng người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo ở Ai Cập.
Rõ ràng khi được sống trong một đất nước ổn định hơn, không còn tình trạng xung đột dai dẳng như ở các nước láng giềng, trong khi kinh tế, vai trò và vị thế của Cairo cũng từng bước được khôi phục như trong suốt 4 năm qua dưới sự dẫn dắt của Tổng thống el-Sisi, không ai muốn đặt cược rủi ro, đẩy nước mình quay trở lại vòng xoáy bất ổn chính trị và kinh tế nữa.
Điều này đã lý giải vì sao sau 4 năm cầm quyền Tổng thống el-Sisi tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao đến như vậy. Với người dân, Tổng thống el-Sisi được coi như "bức tường thành vững chắc" của sự ổn định.
Trong phát biểu đầu tiên khi có kết quả bầu cử, Tổng thống el-Sisi nhấn mạnh người dân Ai Cập qua lá phiếu của mình đã thể hiện "sức mạnh của đất nước". Đây sẽ là động lực giúp Tổng thống el-Sisi vượt qua con đường phía trước được dự báo sẽ không hề dễ dàng, trong bối cảnh khủng bố vẫn đang là một thách thức lớn, các biện pháp kinh tế khắc khổ đẩy giá cả hàng hóa lên cao ảnh hưởng lớn đến một bộ phận người dân sống dưới chuẩn nghèo (chiếm hơn 25% dân số Ai Cập).
Do đó, để có thể tiếp tục vững vàng chèo lái con thuyền đất nước, Tổng thống el-Sisi cần cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy các cải cách kinh tế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu từ nước ngoài, cũng như tăng cường các chính sách an sinh nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp.