Bê bối nghe lén: Châu Âu không biết hay quá đỗi ngây thơ?

Hai tờ báo lớn của Israel là Jerusalem Post (Bưu điện Jerusalem) và Haaretz ngày 27/10 cho đăng tải bài phân tích về hoạt động nghe lén của Mỹ nhằm vào các nước đồng minh. Bài báo đặt nghi vấn: Liệu Đức, Pháp có hoàn toàn không biết gì về hoạt động này nghe lén của tình báo Mỹ, khi mà “do thám đồng minh là luật chơi, không chừa một ngoại lệ nào”? Các bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:

Hoạt động nghe lén của Mỹ trở thành chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN


Tờ nhật báo "Guardian" (Người bảo vệ) của Anh hồi tuần trước công bố thông tin rằng, có đến 35 vị nguyên thủ quốc gia bị NSA theo dõi. Ngay sau đó, Đức, Pháp, Brazil, Mexico... đồng loạt lên tiếng yêu cầu Washington giải thích rõ về các cáo buộc này. Trong số các nước đồng minh của Mỹ gần đây phát hiện ra rằng lãnh đạo của họ là mục tiêu trong các chương trình nghe lén của NSA, thì Israel dường như là ngoại lệ. Israel từ lâu đã đoán định được rằng, Washington tiến hành chặn thu, nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo quốc tế.

Đến nay, Israel được nhắc đến là nước duy nhất thuộc diện “tòng phạm” với Mỹ trong các chương trình nghe lén mới bị phanh phui. Tờ Le Monde (Pháp) ngày 24/10 đặt ra nghi vấn về sự can dự không trực diện của Israel, với các cáo buộc cơ quan tình báo Israel Mossad có hoạt động do thám nhằm vào Điện Elysee. Tuy nhiên, nói với các phóng viên, cựu giám đốc Mossad Danny Yatom cho biết, người Mỹ cũng do thám cả Israel. Khả năng này (mà ông Yatom cho là thực tế) cũng được nhiều quan chức tình báo, quan chức chính phủ cấp cao cả đương chức và nghỉ hưu Israel này tán đồng. Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Sharon thường trực đặt câu hỏi với các cơ quan an ninh là họ đang nói chuyện với đối tác qua đường cáp bảo mật hay qua mạng không dây, vì nghi ngờ bị Mỹ theo dõi. Và vì thế, việc do thám “bạn bè” được xem là một thực tế không thể tránh khỏi trong đời sống hàng ngày ở Israel.

Hiện nay, chỉ có 4 nhà lãnh đạo trên thế giới có thể hoàn toàn miễn nhiễm trước các hoạt động nghe lén của Mỹ - đó là người đứng đầu 4 nước kí hiệp định chia sẻ thông tin tình báo song phương với Washington, bao gồm: Anh, Canada, Australia và New Zealand, trong đó quy định việc cấm nghe lén lẫn nhau.

Soi chiếu vào thực tế này, có thể thấy những phát biểu kiểu như bày tỏ “bất bình” của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande dường như lại là điều gây sốc hơn. Liệu những nước này có thực sự không biết là Mỹ nghe lén? Hoàn toàn không phải vậy, vì giới lãnh đạo chóp bu tại Washington hiểu được rằng có thể làm được điều đó chỉ bởi 2 lý do: Công nghệ cho phép và họ không nghĩ rằng có lúc sẽ bị phanh phui. Các đồng minh của Mỹ thừa hiểu rằng Mỹ có đủ khả năng nghe lén. Sai lầm của họ là luôn ảo tưởng rằng các chương trình đó chỉ được sử dụng cho các mục đích “hợp pháp” như theo dõi khủng bố, do thám các quốc gia thù địch. Nhưng hóa ra người Mỹ không dừng lại ở đó, họ tận dụng mọi cơ hội mà công nghệ mang tới.

Xét cho cùng, các vụ tiết lộ thông tin gây chấn động nhằm vào hoạt động do thám mờ ám của NSA thời gian qua chẳng gây phương hại gì đến an ninh nước Mỹ như giới chức nước này thường hay tuyên bố. Chỉ có một điều được phơi bày: Mỹ không thể đóng vai là người vô tội được nữa. Bạn bè, đồng minh của Washington hiện đã nằm lòng bài học người Mỹ chơi trò gì sau lưng họ. Kỷ nguyên của thói đạo đức giả đã kết thúc.



HT (Tổng hợp)
Đức lập ban điều tra vụ nghe lén
Đức lập ban điều tra vụ nghe lén

Theo báo Đức "Tấm gương“ ngày 27/10, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã yêu cầu lập một uỷ ban điều tra các vấn đề liên quan Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), sau những cáo buộc cơ quan mật vụ Mỹ này nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN