Không phải tất cả các bài diễn văn nhậm chức đều được tạo ra như nhau - nhiều bản quá dài và do đó dễ bị quên. Những bài khác mắc sai lầm khi đưa ra một chương trình nghị sự chính sách cụ thể, thay vì mở ra hướng đi rộng tới một chân trời mới.
Theo CNN, một lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ nổi bật nằm ở bài diễn văn nói về các giá trị của tân tổng thống, về cách mà ông nhìn nhận thế giới và vai trò của nước Mỹ trong đó. Tốt nhất là nó nên mang lại một tầm nhìn thống nhất và hứa hẹn về những sự khởi đầu mới.
Hầu hết các bài diễn văn được nhớ đến chỉ vì một câu hoặc cụm từ duy nhất, trở thành điểm nhấn cho toàn bộ bài phát biểu. Và nếu bạn lắng nghe kỹ, những cụm từ này thường có cấu trúc tương tự. Đây là một trong những bí quyết làm nên một bài diễn văn nhậm chức tuyệt vời.
Tổng thống Thomas Jefferson đã kêu gọi chấm dứt chế độ chủ nghĩa đảng phái sau chiến dịch tranh cử đầy tranh cãi năm 1800, ông tuyên bố: “Mọi sự khác biệt về quan điểm không phải là khác biệt về nguyên tắc” ("Every difference of opinion is not a difference of principle”).
Bài diễn văn trong lễ nhậm chức lần thứ hai của Abraham Lincoln chỉ có 701 từ, nhưng chứa đựng một cụm từ kết tinh, như một chỉ dẫn hòa giải vào cuối cuộc Nội chiến chia rẽ đất nước: "Không ác ý với ai, bao dung với tất cả" (“With malice toward none, with charity for all”).
Khi nước Mỹ chìm sâu trong cuộc Đại suy thoái, tân Tổng thống Franklin Roosevelt tuyên bố: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi” (“The only thing we have to fear is fear itself”)
Và là thế hệ vĩ đại nhất nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, John F. Kennedy tuyên bố: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước mình.” ("Ask not what your country can do for you, but what you can do for your country”).
Và có một mô hình rất hiệu quả: đó là sự lặp lại của một cụm từ với một chút thay đổi, khiến chúng trở nên đáng nhớ ngay lập tức.
Chẳng hạn, câu nói nổi tiếng nhất trong lần nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Ronald Reagan: “chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta; chính phủ chính là vấn đề” ("government is not the solution to our problem; government is the problem”).
Hoặc của Tổng thống Bill Clinton: “Không có điều gì sai với nước Mỹ mà không thể chữa được bằng điều đúng với nước Mỹ” ("There's nothing wrong with America that can't be cured by what's right with America".
Vì vậy, hóa ra có một thứ giống như một khoa học đằng sau nghệ thuật của những bài phát biểu tuyệt vời.
Tất nhiên, những bài diễn văn nhậm chức không chỉ là một chuỗi các khẩu hiểu. Chúng cập nhật câu chuyện của nước Mỹ, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Một bản diễn văn tốt nhất sẽ chứa đựng một câu chuyện lịch sử - một cảm giác tôn kính rõ ràng về những trải nghiệm của nước Mỹ.
Và với đám đông có mặt hay những người theo dõi từ xa đang reo mừng với lễ nhậm chức của người sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của họ, sự ăn mừng đó không thực sự là dành cho chính cá nhân nhà lãnh đạo đó. Ông ấy chỉ đơn giản là biểu tượng cho một kỷ nguyên mới, và câu chuyện cá nhân của ông – dù là một nguyên liệu cần thiết – cung cấp một điểm liên hệ với câu chuyện của nước Mỹ.
Những bài phát biểu vĩ đại thường có xu hướng tiếp cận công chúng bằng sự thân mật. Cần phải có một tiết lộ cá nhân để người phát biểu giao tiếp cả bằng trái tim và khối óc, rồi tiếp nhận thiện chí, và thay mặt mọi người, phóng chiếu nó vào tương lai.
Giờ đây, ngày của Tổng thống đắc cử Joe Biden cuối cùng đã tới - gần 50 năm kể từ lần đầu tiên ông tới Washington DC với tư cách một trong những thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất, và hơn 30 năm kể từ lần đầu ông ra tranh cử tổng thống Mỹ.
Con đường của Biden tới ghế tổng thống đã khởi nguồn từ tính chân thực trong câu chuyện của chính ông – một người con trong gia đình trung lưu từ Scranton, Pennsylvania, vật lộn với những nghịch cảnh và bi kịch không thể tưởng tượng nổi như cùng lúc mất đi cả vợ và con gái. Quyền lực về đạo đức của ông không đến từ sức hút quyến rũ của một chính trị gia kỳ cựu, mà là từ trái tim bền bỉ của ông.
Mặc dù Biden không được biết đến như một nhà hùng biện tài ba, ông đã nâng cao danh tiếng của mình như một người chiến đấu cho tầng lớp trung lưu thuộc thế hệ “baby boomer”. Bài diễn văn tranh cử năm 1988 của ông đã gợi nhắc cái chết của hai anh em Kennedy với quyết tâm khơi dậy lý tưởng của họ nhằm phản đối chế độ thuê gia công ở nước ngoài đang làm tổn hại công nhân Mỹ. Ông cũng vực dậy sau những vấp ngã chính trị nhờ danh tiếng về tính lịch thiệp cá nhân và sự đồng cảm được các đồng nghiệp lưỡng đảng đều công nhận.
Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2020, Joe Biden đã cam kết “khôi phục linh hồn nước Mỹ”, và đưa chính phủ hoạt động bằng lối quản lý không mang thành kiến đảng phái.
Bài diễn văn xuất sắc nhất của ông – tại Gettysburg, Pennsylvania và Warm Springs, Georgia – đã dùng lịch sử nước Mỹ để triệu tập sức mạnh nhằm vượt qua những thời điểm đầy thử thách và khám phá bản chất thiên thần trong mỗi người dân.
Rất ít tổng thống bước vào Phòng Bầu dục phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt hơn Joe Biden, từ một quốc gia bị chia rẽ gay gắt bên đường ranh giới đảng phái, tới một đại dịch khủng khiếp đang càn quét với cấp độ chết chóc nhất.
Biden đã không cam kết giải quyết những vấn đề này trong 100 ngày đầu tiên, thay vào đó, ông chân thành cảnh báo những ngày khó khăn nhất có thể vẫn ở phía trước.
Nhưng chính niềm hy vọng bền bỉ sẽ tạo ra sự sống động và truyền cảm cho bài diễn văn nhậm chức của ông. Sự đồng điệu của hy vọng và lịch sử là những gì mà một bài diễn văn nhậm chức tuyệt vời mang lại.