Tại buổi lễ quan trọng của ông Joe Biden tới đây, một truyền thống cơ bản hơn 150 năm sẽ bị phá vỡ. Ông Biden sẽ không thể ngoái nhìn về phía người tiềm nhiệm ngồi ngay sau ông và nói lời cảm ơn vì đã thực hiện việc chuyển giao quyền lực. Bởi lẽ, Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump sẽ không tham dự sự kiện này.
Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2017, ông Trump đã cảm ơn người tiền nhiệm ngồi phía sau. Ông Trump phát biểu: “Bốn năm một lần, chúng ta tụ họp trên những bậc thềm này để thực hiện việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và trật tự. Chúng ta cảm ơn Tổng thống Obama và đệ nhất phu nhận Michelle Obama về sự giúp đỡ ân cần trong suốt quá trình chuyển giao”.
“Có hàng loạt điều tương tự bạn có thể rút ra từ những bài diễn văn trước đây, nhưng sẽ không có lối văn phong nào mà ông Biden có thể chọn lọc để dùng trong bài diễn văn của chính ông”, ông Jeff Shesol - sử gia và là người soạn thảo các bài phát biểu cho cựu Tổng thống Bill Clinton nhận xét.
Chi tiết về bài phát biểu của ông Biden vẫn được giữ kín. Cần phải tiếp tục theo dõi liệu ông Biden có nhắc đến các vị tổng thống khác từng nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng hay không.
Ông Biden tiếp quản Nhà Trắng với thử thách hàng đầu là đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã khiến 400.000 người Mỹ tử vong và hàng triệu người Mỹ khác lâm vào cảnh khó khăn kinh tế.
Năm 1933, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thẳng thắn thừa nhận sự tàn phá của cuộc Đại suy thoái trong tuyên bố nhậm chức: "Hàng loạt lao động thất nghiệp phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã để tồn tại và cũng bằng đó người phải vất vả để lao động kiếm tiền. Chỉ những người lạc quan ngu ngốc mới có thể phủ nhận những thực tế đen tối của thời điểm này".
Ông Joe Biden cũng phát biểu tuyên thệ vào thời điểm mà hầu như tất cả những người Cộng hòa đều không tin kết quả bầu cử năm 2020 là chính xác.
Ở hoàn cảnh cũng có một số nét tương đồng, Tổng thống George W. Bush trong năm 2001 cũng đối mặt với những thách thức trong lễ nhậm chức, khi rất nhiều người Mỹ cảm thấy không hài lòng với kết quả bầu cử do Tòa án Tối cao định đoạt.
“Đôi khi sự khác biệt giữa chúng tôi ra là rất lớn, dường như chúng tôi sống trên cùng một lục địa chứ không phải một đất nước. Chúng tôi không chấp nhận điều này”, ông Bush đã phát biểu cảm ơn đối thủ về một cuộc đua “diễn ra trên tinh thần đoàn kết và kết thúc bằng lòng khoan dung”.
Về phần Tổng thống đắc cử thứ 46, ông cũng phải đối mặt với sự rạn nứt sâu sắc trong xã hội Mỹ do các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra trong mùa hè vừa qua và bây giờ là cuộc nổi loạn tại Điện Capitol.
Nhà lịch sử chuyên nghiên cứu về các tổng thống Russel Riley cho biết năm 19 – 1969 là bối cảnh lịch sử khá tương đồng với năm 2021. Khi đó, ông Richard Nixon – người vận động tranh cử trên làn sóng phẫn nộ - lên nắm quyền sau khi đất nước chìm trong bạo loạn, các cuộc biểu tình phản chiến cùng hai vụ ám sát ông Martin Luther King Jr. và ông Robert F. Kennedy.
“Nước Mỹ bị chia rẽ và ông Nixon hiểu rằng nhiệm vụ chính của ông là hàn gắn. Hàn gắn không phải là từ ngữ thường được gắn với ông Nixon bởi các sự kiện xảy ra những năm sau đó nhưng chắn chắn điều xảy ra vào tháng 1/1969 luôn khắc sâu trong tâm trí ông ấy”, nhà lịch sử Riley làm việc tại Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia cho hay.
Trong tuyên bố năm 1969, ông Nixon kêu gọi người dân Mỹ hãy thể hiện tinh thần lạc quan hơn.
“Chúng ta bị kẹt trong chiến tranh, mong muốn hòa bình. Chúng ta giằng xé bởi sự chia rẽ, mong muốn đoàn kết. Chúng ta thấy những cuộc đời trống rỗng xung quanh, mong mốn sự đong đầy. Chúng ta thấy nhiệm vụ cần giải quyết, mong muốn chúng ta thực hiện. Đối với cuộc khủng hoảng của tình thần, chúng ta cần một câu trả lời của tinh thần. Để tìm ra cầu trả lời, chúng ta chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân chúng ta”, ông Nixon phát biểu.
Mặc dù những thách thức ông Biden đối mặt có sự khác biệt, nhưng các phát biểu nhậm chức luôn là những ngôn từ chứa đựng sự hàn gắn.
Nhà sử học Michael Beschloss cho rằng: “Những nhà lập quốc đã đặt rất nhiều trọng trách đối với một tổng thống sắp tuyên thệ để đoàn kết đất nước khi nó đã bị chia rẽ một cách tồi tệ và đang bị tổn thương như thời điểm hiện tại”.
Chủ đề buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden là “Nước Mỹ đoàn kết” nhưng trong bài phát biểu vào tuần trước, ông phải thừa nhận một điều dễ nhận thấy rằng nước Mỹ đang bị chia rẽ. “Chúng tôi thấy rõ điều chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay”, ông chủ Nhà Trắng tương lai bày tỏ tinh thần lạc quan.
Theo nhà sử học Shesol, ông Biden sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử phức tạp trong lễ nhậm chức: “Ông Biden phải gắn kết người dân Mỹ lại gần với nhau hơn. Và ông ấy cũng phải thể hiện rằng ông không phải là kẻ khờ khạo”. Ông Shesol nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những lời kêu gọi thiếu tính mạnh mẽ về đoàn kết dân tộc thường thấy trong các bài phát biểu nhậm chức thực sự không có hiệu quả”.
Ngoài ra, buổi lễ nhậm chức của ông Joe Biden sẽ trở thành sự kiện đầu tiên thiếu vắng “trống dong cờ mở”. Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ, ban kế hoạch đã quyết định rút gọn quy mô tổ chức buổi lễ, không cho phép người dân tụ tập theo dõi, cắt tiết mục diễu hành rầm rộ đưa Gia đình Đệ nhất mới đi bộ từ Đồi Capitol đến Nhà Trắng. Thay vào đó, chương trình sẽ được phát trực tuyến để tránh tập trung đông người.
Bên cạnh đó, vụ bạo động tại Quốc hội Mỹ mới đây cùng làn sóng biểu tình nhen nhóm khắp quốc gia cũng khiến thủ đô Washington, D.C. trở nên khác lạ, được ví như “pháo đài thời chiến”. An ninh được thắt chặt chưa từng thấy, binh sĩ và cảnh sát xuất hiện khắp nơi thay vì đám đông.