Làn sóng COVID-19 thứ ba đang càn quét hầu khắp châu Phi và có thể là làn sóng nghiêm trọng nhất. Tình hình ở châu Phi lúc này không thể tồi tệ hơn: Biến thể Delta đã lan tới đây, khi mà hầu hết dân chúng vẫn chưa được tiêm chủng. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC), chỉ trên 1% dân số toàn lục địa đã được tiêm đủ vaccine và khoảng 2,5% được tiêm ít nhất một mũi. Trong khi đó, trên khắp châu Âu, ít nhất 50% dân số dã được tiêm mũi đầu và 1/3 người dân được chủng ngừa đầy đủ.
Hồi chuông thức tỉnh châu Phi
Sự bất bình đẳng nguồn cung vaccine COVID-19 đang gây ra tâm lý tức giận và khó hiểu với nhiều chính trị gia châu Phi. “Sự ích kỷ trong thế giới này thật tệ hại”, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni lên tiếng tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới ở Kampala trong tuần trước. Nhưng ông cũng sử dụng bài phát biểu khai mạc để cảnh báo những người đồng cấp châu Phi: "Tình thế hiện nay là một tiếng kêu thức tỉnh. Thật đáng hổ thẹn khi châu Phi vẫn đang ngủ yên và chờ được người khác cứu”.
Châu Phi, lục địa của 54 quốc gia và 1,2 tỉ dân, cho đến nay vẫn lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập khẩu từ Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á – không chỉ trong cuộc chiến chống COVID-19 mà còn với nhiều loại bệnh khác như sởi, uốn ván và lao. Châu lục này mới chỉ tự cung cấp được khoảng 1% số vaccine được sử dụng, và các cơ sở sản xuất hiện chỉ tồn tại ở Tunisia, Algeria, Nam Phi và Senegal.
Đó chính xác là những gì cần thay đổi lúc này. Một số quốc gia châu Phi hiện đang thúc đẩy việc sản xuất vaccine tại địa phương. Liên minh châu Phi muốn sản xuất 60% số vaccine cần dùng vào năm 2040, và nếu càng sớm càng tốt, các loại vaccine sản xuất tại châu Phi sẽ giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Tại sao hầu như không có vaccine nào được sản xuất ở Châu Phi cho đến nay?
Về cơ bản, những rào cản kỹ thuật với việc sản xuất vaccine là rất lớn. Không chỉ là việc xây dựng cơ sở sản xuất đặc biệt, với các thiết bị tốn kém, mà việc huấn luyện đội ngũ nhân viên chất lượng cao sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư khổng lồ. Ngay cả với những quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, việc phát triển và sản xuất vaccine cũng cần được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư từ chính phủ.
Nhiều chính phủ châu Phi không đủ khả năng chi trả. Do đó không phải ngẫu nhiên mà chỉ có ít cơ sở sản xuất vaccine sẵn có ở Phi châu, chẳng hạn như các cơ sở thuộc Viện Pasteur ở Senegal, Tunisia và Algeria, phần lớn được chính phủ cấp chi phí. Những dự án được cấp kinh phí ít ỏi ở Nigeria hoặc Ethiopia đến nay vẫn chưa đưa được loại vaccine nào ra thị trường sau nhiều năm.
Điều gì đã thay đổi do đại dịch COVID-19
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, đặc biệt là từ khi các nước Bán cầu Bắc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19, việc xây dựng năng lực vaccine trở thành ưu tiên hành động của nhiều nước châu Phi. Một loạt dự án đã và đang triển khai, do các công ty tư nhân hay chính phủ, nhằm thành lập những trung tâm vaccine khu vực, có sự tham gia của nhiều quốc gia. Các sáng kiến này được tài trợ bởi EU, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ quốc tế khác.
Hầu hết các dự án đã công bố đều nhằm mục đích sản xuất vaccine tại khu vực hoặc cung cấp vaccine đã cấp phép tại những cơ sở sản xuất hiện có. Bên cạnh việc đàm phán với các hãng dược phẩm thế giới để được cấp phép, các dây chuyền sản xuất cũng cần điều chỉnh và đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, từ đó những dự án này có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng.
Công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi là cơ sở đáp ứng nhanh nhất và cho đến nay là cơ sở duy nhất ở châu Phi sản xuất vaccine COVID-19 dựa trên giấy phép của Johnson & Johnson, Mỹ. Công ty Ai Cập VACSERA cũng có kế hoạch bắt đầu sản xuất vaccine Sinovac của Trung Quốc trong những tuần tới. Các thỏa thuận hợp tác tương tự giữa các công ty dược phẩm châu Phi và các nhà sản xuất vaccine quốc tế cũng đã đạt được ở một số quốc gia khác, như Senegal và Algeria.
Những trở ngại
Kế hoạch tự lực vaccine của châu Phi khó được hiện thực hóa nhanh chóng tại nơi mà các cơ sở sản xuất vẫn chưa sẵn sàng. Mất khoảng 18 tháng để xây dựng một dây chuyển sản xuất “đầu - cuối”, theo ông Simon Agwale, Giám đốc Liên minh Các nhà sản xuất Vaccine châu Phi (AVMI).
Vấn đề kinh phí cho các dự án như vậy cũng phức tạp và thường kéo dài. “Mọi người đang nói về xây dựng các nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 ngay lúc này. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra sau đại dịch?", ông Agwale nêu vấn đề.
Theo ông, cần có một kế hoạch cụ thể về việc các cơ sở sản xuất vaccine công nghệ mRNA sẽ được sử dụng ra sao để sản xuất những loại vaccine khác thời hậu COVID. Một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine mRNA hiện đang được xây dựng ở Nam Phi và dự kiến chỉ đi vào hoạt động từ mùa hè 2022.