Ngày 17/6, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết châu Phi đang chứng kiến làn sóng tăng đột biến ca nhiễm COVID-19, một làn sóng dịch thứ ba được thúc đẩy bởi các biến thể virus mới trong khi tốc độ tiêm chủng còn quá chậm chạp.
Trong một tháng qua, số ca nhiễm mới liên tục tăng tại “Lục địa đen”, đẩy số ca nhiễm trên toàn châu lục vượt ngưỡng 5 triệu ca kể từ khi bùng phát đại dịch.
Tuần trước, châu Phi đã ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới theo ngày là 25.500 ca vào 13/6, đưa ca nhiễm trong tuần lên mức kỷ lục 116.000 ca, so với mức 91.000 ca ở tuần đầu của tháng 6. Cũng trong tuần trước, con số ca tử vong đã tăng gần 15% so với tuần trước đó, với 2.200 ca ở 36 quốc gia.
Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo và Namibia đều ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm cao nhất tính theo tuần. Biến thể Delta hiện đã lan ra 14 quốc gia.
“Châu Phi đang nằm giữa cuộc bùng nổ của làn sóng thứ ba. Đường biểu đồ nghiêm trọng của số ca bệnh mới sẽ khiến mọi người phải hành động khẩn cấp. Chúng ta đã chứng kiến ở Ấn Độ và các nơi khác, COVID-19 bùng nổ và áp đảo các hệ thống y tế nhanh đến mức nào” – Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti phát biểu.
Mặc dù tổng số ca tử vong tại châu Phi, trên 136.000 người, vẫn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, làn sóng dịch thứ ba đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn do tốc độ triển khai vaccine chậm ở châu Phi. Đến nay mới có gần 12 triệu người được chủng ngừa, chiếm chưa đầy 1% dân số châu lục.
Tiến sĩ Moeti cảnh báo: "Sự gia tăng ca nhiễm và tử vong là lời cảnh báo khẩn cấp với những quốc gia còn tụt hậu phải nhanh chóng mở rộng các điểm tiêm chủng, tiếp cận những nhóm ưu tiên và đáp ứng các mối lo ngại của cộng đồng. Một số lượng lớn các nước châu Phi đã cho thấy họ có thể phân phối vaccine nhanh chóng, vì thế chúng tôi hoan nghênh những cam kết quốc tế về cung cấp vaccine thời gian gần đây. Nhưng nếu muốn kiềm chế làn sóng thứ ba, châu Phi cần vaccine ở đây và ngay lúc này".
Khu vực miền nam châu Phi đang chứng kiến lây nhiễm tăng mạnh, chủ yếu là ở Nam Phi và Namibia. Ngày 16/6, Namibia ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới, với tỉ lệ dương tính là 36%.
Mùa đông đã đến ở Nam bán cầu càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở Nam Phi, nơi số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong một thời gian ngắn. Bộ Y tế nước này ngày 15/6 thông báo ghi nhận kỷ lục 8.400 ca nhiễm. Nam Phi cũng đã ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc và trên 58.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát, nhưng giới chức lo ngại tốc độ tiêm chủng chậm có thể làm trầm trọng thêm làn sóng dịch thứ ba.
Tại Namibia, hôm 16/6, Tổng thống Hage Geingob đã công bố các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, bao gồm hạn chế di chuyển quanh thủ đô Windhoek, nơi ghi nhận hơn một nửa số ca lây nhiễm và giảm tụ tập công cộng xuống không quá 10 người, cũng như áp đặt giới nghiêm từ 22h00 đến 4h00 hôm sau.
Các cuộc xung đột tại Ethiopia, Mali và CHDC Congo càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Tại Uganda, thuộc Đông Phi, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng vọt trong tháng qua, lên tới 1.400 ca trong ngày 15/6. Tổng thống Uganda, Yoweri Museveni đã thông báo lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 6/6, theo đó toàn bộ các trường học, cơ sở giáo dục, tôn giáo phải đóng cửa trong 42 ngày.
Tại nước láng giềng CHDC Congo, Tổng thống Felix Tshisekedi cảnh báo “làn sóng thứ ba chết chóc” và yêu cầu người dân hạn chế tụ tập, đồng thời ra lệnh đóng cửa các hộp đêm. CHDC Congo đã ghi nhận trên 35.000 ca mắc và 845 ca tử vong, tuy nhiên con số này đang tắc với tốc độ báo động khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, hầu hết các nước châu Phi đều hụt mục tiêu tiêm chủng. WHO đã dự báo, 9/10 quốc gia châu lục này sẽ không đảm bảo tiêm phòng COVID-19 được cho 10% dân số vào tháng 9 tới. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, các nước G7 đã cam kết cung cấp trên 1 tỉ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo đến cuối năm 2022. Nhưng số vaccine cam kết dành cho châu Phi đến nay vẫn còn thiếu hàng trăm triệu liều.