Chính phủ Libya ngày 15/7 cho biết họ đang cân nhắc kêu gọi các lực lượng quốc tế giúp đỡ nước này khôi phục an ninh, trong bối cảnh giao tranh giữa các nhóm tay súng diễn ra ở sân bay Tripoli đã đẩy đất nước tới gần cuộc nội chiến.
Xe ô tô bị đốt cháy trong vụ tấn công nhằm vào sân bay quốc tế Tripoli ngày 14/7. Ảnh: THX/TTXVN
|
Với việc các tay súng tự do và Hồi giáo đang trong cuộc chiến tranh giành quyền lực khốc liệt, sân bay quốc tế chính của nước này - vốn đã đóng cửa hôm 13/7 vì lý do an ninh - lại hứng chịu cuộc tấn công mới vào tối ngày 14/7. Ngay sau đó, chính phủ Libya cho biết họ đang "cân nhắc khả năng kêu gọi các lực lượng quốc tế giúp tái thiết an ninh và hỗ trợ chính phủ thực thi quyền lực". Tuyên bố từ người phát ngôn chính phủ cho biết thêm rằng các lực lượng quốc tế có thể sẽ giúp bảo vệ người dân, ngăn chặn tình trạng vô chính phủ và cho phép chính phủ tập hợp quân đội và cảnh sát.
Phát biểu tại Vienna, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo động ngày càng gia tăng ở đất nước Bắc Phi này, và đồng thời cũng "nỗ lực hết sức để tìm cách hàn gắn chính trị". Ông nói: "Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, mỗi ngày chúng tôi đều đưa ra các đánh giá về mức độ bạo lực, về đội ngũ nhân sự của chúng tôi ở đó, và về đại sứ quán của chúng tôi".
Các vụ đụng độ đầu tiên nổ ra ở sân bay Tripoli hôm 14/7 khi nhóm tay súng Zintan đang kiểm soát sân bay này bị các tay súng Hồi giáo tấn công. Theo lời các nhân chứng, sáng ngày 15/7, nhiều người dân Libya đã tức giận phong tỏa một số tuyến đường xung quanh Tripoli và phóng hỏa các lốp xe để hưởng ứng lời kêu gọi tiến hành kháng cự nhằm phản đối vụ tấn công vào sân bay Tripoli. Một số ngân hàng và cửa hiệu vẫn phải đóng cửa.
Giới phân tích cho rằng các vụ đụng độ mới đây có liên quan đến kết quả sơ bộ của cuộc tổng tuyển cử hôm 25/6 để thay thế quốc hội do phe Hồi giáo chi phối - vốn gặp phải nhiều tranh cãi và bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Nhiều nhà bình luận cho rằng các nhân vật theo chủ nghĩa tự do sẽ giành được đa số ghế trong quốc hội mới, sau cuộc bầu cử bị cho là dính líu đến nhiều cáo buộc gian lận, mà một vài trong số đó đã được hội đồng bầu cử thừa nhận.
Nhà phân tích người Libya Mohamed Eljarh cho rằng phe Hồi giáo đang tìm cách giành kiểm soát các khu vực chiến lược ở thủ đô. Ông nói: "Phe Hồi giáo đã quyết tâm duy trì vị thế là một nhân tố chính trên chính trường, sau thất bại trong cuộc bầu cử mới đây và sau khi ông Haftar - người đứng đầu một lực lượng tự xưng - đe dọa tiến hành tấn công quân sự vào phe Hồi giáo ở phía đông Libya". Được biết, hồi tháng 5/2014, ông Khalifa Haftar - một cựu tướng dưới thời nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi - đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các tay súng Hồi giáo ở thành phố Benghazi của Libya. Nhóm tay súng Zintan đã đứng về phía các lực lượng vũ trang trung thành với ông Haftar.
Một số khu vực ở phía đông Libya, cụ thể là thành phố Benghazi và thị trấn Derna, đã trở thành thành trì của các phần tử thánh chiến và theo lời các lính cứu thương, các cuộc giao tranh mới đây ở Benghazi hôm 14/7 giữa lực lượng quân đội và các tay súng Hồi giáo đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 49 người bị thương.
Libya đã chìm trong bạo lực kể từ sau cuộc nổi dậy 3 năm trước nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi. Các chính phủ chuyển tiếp sau đó đã rất vất vả để thiết lập một lực lượng cảnh sát và quân đội mạnh, điều này khiến cho các nhóm nổi dậy trước đây ngày càng lộng hành.
Othman Ben Sassi, cựu thành viên của một phe cánh chính trị trong cuộc nổi dậy hồi năm 2011, đã cảnh báo về các nguy cơ mà Libya có thể đối mặt nếu chính phủ không thể kiềm chế tình hình bạo động ngày càng gia tăng này. Ông nói: "Họ phải nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột này, nếu không thì đất nước sẽ rơi vào cuộc nội chiến".
TTK