Thủ tướng CH Séc Bohuslav Sobotka tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 28/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bài báo có đoạn: Một số ý kiến cho rằng Anh cần phải bị trừng phạt nặng do dám rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, EU cần cố gắng duy trì mức độ quan hệ kinh tế-chính trị và hạn chế tối đa biến động trong quan hệ với Anh do London là một đồng minh quan trọng.
Việc Anh rời EU đồng thời đem lại ba nguy cơ đối với liên minh. Thứ nhất, Brexit khiến Anh rời xa EU và hạn chế tham gia các hoạt động phòng thủ liên minh. Thứ hai, liên minh Pháp-Đức sẽ bắt đầu chi phối EU. Thứ ba, sức mạnh và ảnh hưởng của Nga đối với EU gia tăng.
Điều may mắn là đến nay nguy cơ đầu tiên vẫn chưa trở thành hiện thực. Điều này được chứng minh qua một số sự kiện gần đây như hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Warsaw (Ba Lan) tháng 7/2016. Anh sẵn sàng tiếp tục thực hiện các cam kết đối với NATO và chú trọng tới việc đảm bảo an ninh cho châu Âu. Do đó, đề xuất về việc thành lập quân đội chung EU hiện chưa cần thiết bởi điều này sẽ làm giảm vai trò của NATO. Mặc dù vậy, vì không rõ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ và mối đe dọa nào trong tương lai nên không loại trừ khả năng EU sẽ cần phải có lực lượng quân đội chung vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, đó là vấn đề của tương lai.
Hiện tại, EU chưa phải đối mặt với nguy cơ này. Việc Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka kêu gọi thành lập quân đội chung EU hồi cuối tháng 8 vừa qua là một hành động vội vã. Ngân sách quốc phòng của Praha hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức cam kết 2% GDP nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của NATO. Chỉ khi nào ngân sách quốc phòng đạt mức ít nhất 2% thì Séc mới có thể tính đến việc chi tiền để đóng góp cho việc thành lập quân đội chung của EU. Cho đến lúc đó các tuyên bố về việc lập quân đội chung EU của Séc không có ý nghĩa, ngược lại nó có tác động tiêu cực vì gây ra nguy cơ chọc giận phía Anh, đối tác mà EU rất cần sự giúp đỡ trong việc đảm bảo an ninh và quốc phòng của châu Âu.
Trong các cuộc thảo luận quan trọng ở một số thời điểm, EU bị chi phối bởi liên minh Anh-Pháp, nhưng ở thời điểm khác, Anh lại phối hợp với Đức hoặc Pháp. Điều này có lợi cho các nước nhỏ trong EU như Séc có thể linh động xoay chuyển giữa bộ ba này. Tuy nhiên, nếu Anh rời EU thì không gian triển khai chính sách đối ngoại của Séc sẽ giảm vì chỉ còn lại “cặp đôi” Đức-Pháp. Nhận thức được nguy cơ này, các nước nhỏ trong EU đã và đang tăng cường chính sách quyết đoán. Điều này không chỉ thể hiện qua chính sách giải quyết vấn đề nhập cư của Nhóm V4 (gồm Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia) mà còn của Áo- thành viên đang có xu hướng thoát khỏi ảnh hưởng của Đức và ngả dần về phía V4. Các quốc gia Bắc Âu cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Chính sách ngoại giao của Tiệp Khắc (sau này là Séc và Slovakia) luôn tìm kiếm sự bảo vệ và che chở của các nước lớn trong trục Đông-Tây. Trong các giai đoạn lịch sử, “người bảo vệ” của Praha lần lượt là Paris, Berlin, Moskva, Washington (NATO) và Brussels (EU). Hiện tại, một số ý kiến mong muốn Moskva đóng vai trò này một lần nữa. Thậm chí, một số còn hy vọng Bắc Kinh đảm nhận trách nhiệm này khi Tổng thống Zeman và chính phủ liên minh trung tả của Thủ tướng Sobotka đang đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tác giả, trong bối cảnh Anh có nguy cơ rời EU hiện nay, Séc cần hội nhập sâu và trở thành thành viên “đầy đủ” của NATO và EU với các quan hệ hợp tác và liên minh dọc trục Bắc-Nam. Séc cần chú trọng tăng cường quan hệ với Ba Lan, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Romania, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.