Brexit - vụ "ly dị" rắc rối

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một vụ “ly dị” đầy rắc rối, buộc hai bên phải xây dựng một mối quan hệ mới sau hơn 40 năm gắn bó.

Nhân viên cơ quan kiểm phiếu Anh chuẩn bị hòm phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý ở thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin AFP đã có bài viết nêu lên chi tiết các thủ tục và quy trình pháp lý, cũng như các vấn đề then chốt mà Brussels và London sẽ phải đàm phán với nhau nếu người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ “Brexit” (Anh rời EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới.

Cơ sở pháp lý

Hiệp ước của EU đã nêu cụ thể các thủ tục cần tiến hành để một quốc gia rời khỏi khối. Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon năm 2009, “bất cứ quốc gia thành viên nào cũng đều có thể quyết định rời khỏi Liên minh theo đúng các thủ tục Hiến pháp”.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Chính phủ Anh sẽ “ngay lập tức” áp dụng Điều 50, và bắt đầu tiến trình đàm phán nếu các cử tri nói “Có” với Brexit.

Theo Điều 50, hai bên sẽ có 2 năm để đàm phán về các thỏa thuận khi rời khỏi khối. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Anh và EU có thể nhất trí hoãn việc rời khối cho đến khi đạt được một thỏa thuận tốt hơn, mặc dù điều này cũng cần tới sự nhất trí của cả hai bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker cho biết "nếu Brexit diễn ra, chúng tôi sẽ không nhượng bộ”.

Nếu hai bên nhất trí với nhau thì thỏa thuận cuối cùng vẫn cần có sự thông qua của đa số thành viên Hội đồng EU, gồm tất cả các nước thành viên, sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua.

Một thập kỷ bất ổn ?

Trong báo cáo công bố tháng 2/2016, Chính phủ Anh cảnh báo rằng có thể hai bên sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề.

Chính phủ Anh nhấn mạnh: “Có thể sẽ mất thêm thời gian để đàm phán, trước hết là về việc rời EU của chúng ta, thứ hai là các thỏa thuận trong tương lai với EU, và thứ ba là các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài EU… Nói một cách ngắn gọn, lựa chọn rời EU sẽ là sự khởi đầu, chứ không phải là điểm kết thúc, của một tiến trình. Điều đó có thể dẫn tới một thập kỷ bất ổn, hoặc thậm chí lâu hơn nữa”.

"Vote Leave" (Hãy bỏ phiếu ra đi) là khẩu hiệu của những người ủng hộ Anh rời khỏi  EU trong một hoạt động kêu gọi ở London. Ảnh: Reuters

Lựa chọn đơn giản nhất và được nhắc đến nhiều nhất cho Anh là trở thành thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu cùng với Iceland và Na Uy, lựa chọn giúp London tiếp cận một thị trường đơn nhất. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là London vẫn sẽ phải tuân theo các luật lệ của EU mặc dù không còn có tiếng nói trong khối, và vẫn phải đóng tiền cho Brussels.

Jean-Claude Piris, cựu Cố vấn pháp lý cấp cao cho EU, cho rằng Thụy Sỹ là một mô hình tiêu biểu cho những người ủng hộ “Brexit” song điều đó không có nghĩa là “Anh sẽ đi theo con đường này”. Ông Piris chỉ ra rằng Thụy Sỹ đã phải ký hàng trăm hiệp định thương mại với EU và Brussels vẫn chưa hài lòng với mối quan hệ này.

Các lựa chọn khác bao gồm xây dựng một hiệp định tự do thương mại với EU hay một liên minh hải quan tương tự như những gì đã diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Nếu không ký kết được những thỏa thuận này, Anh sẽ đơn thuần trở thành một đối tác thương mại của EU như Mỹ và Trung Quốc. Ông Piris cho rằng dù điều gì diễn ra, Anh cuối cùng cũng sẽ trở thành một “dạng vệ tinh của EU”.

Nếu Brexit diễn ra, London cũng sẽ phải đàm phán với Brussels về tình trạng của khoảng hai triệu công dân Anh đang sống và làm việc tại các quốc gia thành viên EU. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng tới vấn đề lương hưu và các quyền lợi về y tế của những người này.

Chính phủ Anh từng nhấn mạnh: “Các công dân Anh ở nước ngoài, trong đó có nhiều người đã chọn nghỉ hưu tại Tây Ban Nha, đang ở trong tình trạng rất bấp bênh vì những quyền lợi này của họ chưa chắc sẽ được đảm bảo”.

TTK
Pháp, Đức lên "Kế hoạch B" phòng "Brexit"
Pháp, Đức lên "Kế hoạch B" phòng "Brexit"

Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo châu Âu liên tiếp tiến hành các cuộc thảo luận kín về một liên minh trong tương lai không có Anh, trong đó bao gồm "Kế hoạch B" với trọng tâm là thắt chặt hợp tác quốc phòng và an ninh nếu Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là vấn đề "Brexit".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN