Các lực lượng biểu tình chính trên đường phố Thái Lan

Tại Thái Lan hiện nay, rất nhiều nhóm biểu tình phản đối đang nỗ lực để lật đổ chính phủ. Các nhóm này bao gồm những người ủng hộ Đảng Dân chủ đối lập chính, các phần tử bảo hoàng cực đoan trước đây của phong trào "Áo vàng" và các cá nhân tập hợp lại vì lòng căm thù cựu Thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin Shinawatra.

Dưới đây là một số lực lượng chính đang đe dọa chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra - em gái của ông Thaksin cùng phong trào "Áo đỏ" ủng hộ ông:

1. Thành phần nòng cốt của đảng Dân chủ

Nhóm biểu tình phản đối chính của đảng Dân chủ đang được lãnh đạo bởi ông Suthep Thaugsuban - người từng giữ chức Phó Thủ tướng Thái Lan dưới thời đảng Dân chủ. Ông hiện kêu gọi bà Yingluck phải từ chức và thành lập "Hội đồng Nhân dân" không qua bầu cử. Ông đã từ chức nghị sỹ đảng Dân chủ trước khi các cuộc biểu tình leo thang.

Người biểu tình chống chính phủ ném chai thủy tinh về phía cảnh sát bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Bangkok ngày 2/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Đảng Dân chủ chủ yếu nhận được sự ủng hộ của giới thượng lưu ở Bangkok - bao gồm các quan chức, thẩm phán, quân đội và các thành phần gần gũi với Cung điện Hoàng gia - những người coi ông Thaksin và phe "Áo đỏ" ủng hộ ông là mối đe dọa đối với nền quân chủ và vị trí đứng đầu của họ trong hệ thống cấp bậc chính trị. Mặc dù trong 20 năm qua, đảng Dân chủ chưa lần nào giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, song họ vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Bangkok và khu trung tâm phía Nam. Lãnh đạo của đảng là ông Abhisit Vejjajiva, người từng giữ chức thủ tướng trong giai đoạn 2008-2011, đã tránh xuất hiện trên chính trường trong bối cảnh các cuộc biểu tình leo thang dữ dội.

2. Các phần tử bảo hoàng cực đoan trước đây của phe "Áo vàng"


Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) là phong trào bảo hoàng được biết với cái tên "Áo vàng". Các cuộc biểu tình của phe này đã dẫn đến cuộc đảo chính hạ bệ ông Thaksin năm 2006 đồng thời góp phần lật đổ hai chính quyền thân Thaksin trong năm 2008.

Tuy nhiên kể từ đó, PAD đã mất dần ảnh hưởng. Lãnh đạo của phong trào này là Sondhi Limthongkul - ông trùm giới truyền thông - đã không lên tiếng kêu gọi cuộc biểu tình vừa qua. Các chuyên gia cho rằng bởi lẽ nếu kêu gọi biểu tình, ông Limthongkul sẽ vi phạm điều khoản bảo lãnh sau khi được tại ngoại sau cáo buộc chiếm đóng các sân bay ở Bangkok hồi năm 2008.

Mặc dù vậy, nhóm biểu tình đã kêu gọi được rất nhiều nhân vật từng ủng hộ phe "Áo vàng" bao gồm các nhóm bảo hoàng cực đoan. Nhóm biểu tình này phủ nhận mối quan hệ chính thức với PAD song đang được lãnh đạo bởi các cựu lãnh đạo phe "Áo vàng" hoặc có quan hệ gần gũi với họ. Paul Chambers, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiang Mai, nói: "Rất nhiều người biểu tình trong số đó từng thuộc phe 'Áo vàng'. Họ là những nhân vật bảo hoàng cực đoan".

Lực lượng này quy tụ các nhóm như Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì sự cải cách của Thái Lan - nhóm lãnh đạo vụ xâm nhập các trụ sở quân đội, và nhóm tự xưng là Quân đội của Nhân dân chống chế độ Thaksin, một vài trong số đó mong muốn Thái Lan trở lại thời kỳ quân chủ chuyên chế. Đằng sau các nhóm này là tổ chức Phật giáo tự xưng là Quân đội Dharma, hiện cung cấp lương thực miễn phí cho những người biểu tình, bởi tổ chức này từng làm việc cho phe "Áo vàng".

3. Các cá nhân tập hợp lại bởi lòng căm thù ông Thaksin

Một số các nhóm nhỏ khác đã tập hợp thành một liên minh chống lại ông Thaksin. Ví dụ như hàng trăm sinh viên trẻ từ các trường dạy nghề ở Bangkok đã thành lập một nhóm biểu tình riêng. Một vài trong số đó mặc áo đen và đóng vai trò bảo đảm an ninh cho các cuộc biểu tình.


4. Phe "Áo đỏ"

Đối lập với các nhóm trên, phe "Áo đỏ" tập trung lôi kéo sự ủng hộ của những người dân bất mãn khu vực nông thôn và thành thị ở phía bắc và đông bắc Thái Lan. Họ bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ bằng cách tập trung ở một sân vận động tại Bangkok trong suốt một tuần.

Tuy nhiên, sau vụ tập hợp lên tới đỉnh điểm 70.000 người hôm 30/11, các nhà lãnh đạo của nhóm này đã kêu gọi những người biểu tình về nhà để ngăn chặn các cuộc đụng độ với những người phản đối chính phủ sau khi phải chứng kiến nhiều thương vong xảy ra.

Phe "Áo đỏ" là lực lượng ủng hộ chính của ông Thaksin. Họ từng đóng vai trò nòng cốt giúp đảng Vì nước Thái (Puea Thai) chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011, đưa bà Yingluck lên nắm quyền và cho phép bà tiếp tục thực hiện chính sách vì người nghèo của anh trai Thaksin - vốn bị chỉ trích là chính sách theo chủ nghĩa dân túy. Năm 2010, khoảng 100.000 người "Áo đỏ" đã chiếm đóng khu vực trung tâm Bangkok trong vòng 2 tháng để yêu cầu ông Abhisit từ chức, trước khi bị quân đội giải tán bằng các cuộc trấn áp đẫm máu làm 90 người chết và 1.900 người bị thương.


Minh Nga


Chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu?
Chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu?

Dư luận quốc tế và trong nước đều quan ngại về bất ổn hiện nay ở Thái Lan. Đã xuất hiện đánh giá về sự ra đi của Thủ tướng Yingluck Shinawatra kèm theo một cuộc đảo chính quân sự - như những gì đã xảy đến với ông Thaksin hồi năm 2006.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN