Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị G20. Ảnh: china.org.cn |
Mạng tin Bloomberg nhận định Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc khai mạc ngày 4/9 sẽ tập trung vào nhiều vấn đề như kinh tế toàn cầu và khủng bố. Tuy nhiên, những căng thẳng bên lề cũng có thể sẽ nổi lên, phân tán sự chú ý của dư luận đối với hội nghị. Trong đó có các vấn đề nóng như sau:
- Căng thẳng Anh – Trung Quốc: Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tìm cách làm dịu căng thẳng sau khi bà ngừng việc thông qua dự án nhà máy điện hạt nhân với số vốn đầu tư 18 tỷ bảng tại Hinkley Point, phía Tây Nam nước Anh, trong đó có 6 tỷ bảng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Đây là dự án được tuyên bố trong chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10/2015, trong đó ông khẳng định quan hệ Anh-Trung Quốc đang ở "kỷ nguyên vàng".
Sau khi được bầu làm Thủ tướng, bà May đã gửi thư cho ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Điều ông Tập Cận Bình muốn nghe tại Trung Quốc lần này là bà May sẵn sàng triển khai dự án.
- Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc: Việc Hàn Quốc chấp nhận cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này đã khiến quan hệ Seoul – Bắc Kinh trở nên lạnh lẽo nhanh chóng. Trung Quốc và Nga đều lo ngại hệ thống này có thể được sử dụng để chống lại mình. Đã có những trao đổi trong nội bộ Trung Quốc về việc trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc, quốc gia vốn rất cần đầu tư, thương mại và du lịch của Trung Quốc. Hiện chưa rõ liệu bên lề hội nghị G-20 có diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay không, cho dù bà Park thường được phía Trung Quốc đón tiếp nồng hậu.
- Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ gặp nhau lần đầu tiên từ sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Fethullah Gulen, Giáo sĩ Hồi giáo đang tị nạn tại Mỹ là chủ mưu vụ việc và muốn Washington trục xuất ông Gulen. Ngoài ra, ông Erdogan cũng đã bắt đầu hàn gắn mối quan hệ với Nga, vốn rạn nứt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay tiêm kích của Nga gần biên giới Syria hồi tháng 11/2015.
Quan hệ giữa Mỹ với nước đồng minh chủ chốt của NATO này có thể sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự để mở các cuộc không kích chống IS. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu mở chiến dịch trên bộ vào sâu trong lãnh thổ Syria.
- Biển Hoa Đông: Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất ở Đông Bắc Á là Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn căng thẳng do tranh chấp đảo ở Biển Hoa Đông. Những tuần gần đây, các tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản khẳng định thuộc chủ quyền nước này. Ngoài ra, có tin nói Nhật Bản đã phát triển các tên lửa đất đối hạm để bảo vệ các hải đảo xa xôi. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tập Cận Bình không có nhiều hy vọng do cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh năm 2014 đã kết thúc nhanh chóng và không đạt nhiều kết quả.
- Quan hệ Australia – Trung Quốc: Căng thẳng đang gia tăng giữa Australia và Trung Quốc sau khi Canberra chỉ trích các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông và Chính phủ Australia ngưng bán một mạng lưới phân phối điện cho một công ty Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Trung Quốc đã cảnh báo rằng quyết định này sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu đầu tư vào Australia của các công ty Trung Quốc. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull có thể tận dụng cuộc gặp với ông Tập Cận Bình để xoa dịu lo ngại rằng Australia phản đối đầu tư của Trung Quốc.
- Quan hệ Nga-Mỹ: Theo Cố vấn về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov, không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Obama tại Trung Quốc, mặc dù hai bên có thể có các cuộc tiếp xúc làm việc cấp thấp hơn. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này đã trở nên lạnh lẽo hơn sau khi có các cáo buộc rằng cơ quan tình báo Nga đã tấn công mạng máy tính của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) và công bố các bức thư điện tử nhằm tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng Chính phủ Nga đã tấn công máy tính của các bộ phận làm việc của đảng Dân chủ và email cá nhân của các chuyên gia chính trị. Đầu tháng này, thủ lĩnh phe thiểu số thuộc đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã coi cáo giác trên là một vụ "Watergate điện tử". Trong khi đó, Điện Kremlin đã gọi cáo buộc rằng Nga đứng sau các vụ tấn công mạng là lố bịch.
Một số vấn đề khác cũng đáng chú ý tại Hội nghị G-20 là những nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Obama tại châu Á trong bối cảnh việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gặp khó khăn, sự ra mắt của tân Tổng thống Brazil Michel Temer, khả năng tái khởi động quan hệ Canada – Trung Quốc sau những căng thẳng liên quan đến chính sách đầu tư vào Canada, cách Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – khách mời của hội nghị ứng xử với Mỹ và Trung Quốc.