Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở ở Mỹ mới đây, Nga đã có động thái nhằm ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhằm mục đích gây áp lực lên một ngành kinh tế quan trọng của Kiev. Nhưng Ukraine đã tìm ra cách để duy trì nguồn xuất khẩu thực phẩm quan trọng của họ khi hai bên bước sang năm thứ ba của cuộc xung đột lớn nhất châu Âu trong 8 thập kỷ. Trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn nhất định, Ukraine vẫn duy trì nỗ lực vận chuyển ngũ cốc tới các thị trường ở châu Phi và Trung Đông.
Được biết đến là vựa lúa mì của thế giới, Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu trên toàn cầu. Trước khi xung đột với Nga nổ ra vào năm 2022, Ukraine đã xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, chiếm 10% thị trường toàn cầu.
Nông nghiệp là trung tâm của nền kinh tế Ukraine, cung cấp hơn 40% thu nhập từ xuất khẩu và 14% việc làm cho nước này. Ngũ cốc cũng là một phần quan trọng trong nguồn cung cấp lương thực của thế giới và là một hình thức viện trợ đặc biệt quan trọng cho các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Hơn một nửa lượng thực phẩm xuất khẩu của Ukraine đến các nước có thu nhập thấp hơn, chủ yếu ở châu Phi và Trung Đông. Ở những khu vực đó, hàng trăm triệu người phải đối mặt với nạn đói kéo dài, vì vậy bánh mì và các thực phẩm làm từ ngũ cốc khác thường có tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ước tính đất nông nghiệp của Ukraine có thể nuôi sống khoảng 400 triệu người, mặc dù xuất khẩu của nước này đã chững lại sau cuộc xung đột với Nga.
Trước khi xung đột nổ ra, khoảng 90% ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển qua các cảng của nước này trên Biển Đen. Các tàu thương mại thường chở đầy những container chứa lúa mì, lúa mạch, ngô, dầu hướng dương và các sản phẩm ngũ cốc khác. Các cảng trên cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên khắp thế giới và là trụ cột cho nền kinh tế Ukraine. Nhưng cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến điều đó.
Áp lực từ Nga
Ngay sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các tàu hải quân Nga đã bao vây các cảng Biển Đen của Ukraine, phong tỏa các tuyến đường thương mại. Trong vòng vài ngày sau cuộc xung đột, số lượng tàu thương mại xuất cảng đã giảm từ hơn 150 chuyến mỗi ngày xuống gần như bằng không; Ukraine cũng tạm dừng xuất khẩu một số loại ngũ cốc do lo ngại tình trạng mất an ninh lương thực trong nước. Nhìn chung, giao tranh đã buộc nông dân Ukraine phải từ bỏ hàng triệu hecta đất nông nghiệp.
Sau 5 tháng xung đột, giá lương thực toàn cầu tăng vọt đã khiến Nga và Ukraine đồng ý đạt được thỏa thuận vào tháng 7/2022 để đưa ngũ cốc được lưu thông trở lại. Được trung gian bởi Liên hơp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ (nước kiểm soát eo biển Bosporus, nơi hầu hết hoạt động thương mại ở Biển Đen đi qua), thỏa thuận này mang lại cho các tàu buôn Ukraine lối đi an toàn dưới sự giám sát của Liên hợp quốc.
Thỏa thuận đã đưa xuất khẩu ngũ cốc trở lại gần mức trước xung đột, nhưng Nga đã rút khỏi thỏa thuận chỉ một năm sau đó và tiếp tục tấn công các cảng của Ukraine. Điện Kremlin giải thích cho hành động này với cáo buộc Ukraine sử dụng vận tải thương mại làm vỏ bọc cho hoạt động quân sự và phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã kìm hãm hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga.
Ngoài ra, Nga còn tấn công các cảng của Ukraine trên sông Danube, nơi Ukraine ngày càng sử dụng nhiều hơn để xuất khẩu ngũ cốc qua châu Âu. Một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đã dẫn đến việc xác của chúng rơi gần lãnh thổ Romania, một thành viên của NATO.
Sau khi thỏa thuận thất bại, nhiều nước lo ngại giá cả sẽ lại tăng cao và có khả năng khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã tránh được nhờ một loạt hành lang xuất khẩu mới đã giúp cho ngũ cốc của Ukraine được lưu thông.
Kể từ tháng 5/2022, EU đã cho phép các nhà xuất khẩu Ukraine tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng vận chuyển đường bộ để đảm bảo ngũ cốc của họ tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhưng điều đó đã tạo ra những rắc rối khác. Những “tuyến đường đoàn kết” này đã gặp phải một số phản đối từ các nước láng giềng phía Tây của Ukraine, nơi các tuyến đường bộ và đường sắt đang bị căng thẳng do xuất khẩu.
Điều này đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa đồng thời làm giảm giá ngũ cốc trong nước. Hungary và Ba Lan đã có lúc đe dọa chặn các cửa khẩu của họ trước sự phản đối của nông dân địa phương. Các nhà hoạch định chính sách EU đã tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho những tuyến đường này bằng cách cung cấp cho các nước láng giềng của Ukraine khoản tài trợ hơn 150 triệu USD.
Trong thời bình, các tàu buôn Ukraine vạch ra lộ trình trực tiếp qua Biển Đen, qua eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ và ra vùng biển quốc tế. Nhưng trong xung đột, các tàu thương mại đã lần theo bờ biển phía Tây, dọc theo biên giới của các quốc gia thân thiện như Bulgaria và Romania. Các tàu ngầm Nga rất khó di chuyển ở vùng nước nông này và tuyến đường đi gần lãnh thổ NATO làm tăng khả năng xảy ra đối đầu quân sự Nga-NATO.
Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Nếu Ukraine có thể vô hiệu hóa khả năng của Nga trong việc ngăn chặn các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen và có thể tiếp tục mở các tuyến đường vận chuyển, Moskva sẽ mất đi nguồn đòn bẩy mạnh mẽ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai”.