'Cái khó ló cái khôn'

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường thì niềm tin dành cho vaccine phòng bệnh cũng ngày một lớn bởi cho đến nay, vaccine vẫn được coi là thứ vũ khí sắc bén nhất góp phần ngăn chặn đại dịch đang lan như một đám cháy rừng.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech . Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, khi tất cả các quốc gia đều mong sở hữu vaccine càng nhiều và càng sớm càng tốt mà năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng được, tình trạng khan hiếm nguồn cung trở thành một bài toán nan giải.

Trong tình huống khó khăn do thiếu vaccine mà tốc độ diễn biến xấu của dịch COVID-19 ngày càng nhanh, Anh đã chủ động điều chỉnh “chiến thuật” tiêm chủng. Nhờ “chiến thuật” này, Anh được đánh giá là điển hình thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 hiệu quả nhất tính đến nay.

Để làm được điều này, vào thời điểm nguồn cung còn hạn chế, Anh cũng đã phải điều chỉnh chiến lược tiêm chủng để đạt được tỷ lệ bao phủ rộng lớn hơn. Ủy ban tiêm chủng và miễn dịch chung (JCVI), đơn vị cố vấn cho Chính phủ Anh về chương trình tiêm phòng, đã liên tục nghiên cứu và điều chỉnh kế hoạch, giúp Anh tối ưu hóa hiệu quả của vaccine với mục tiêu giảm số ca tử vong và nhập viện vì COVID-19 trong ngắn hạn.

Cũng như các nước, Anh triển khai chương trình tiêm chủng theo các nhóm ưu tiên được phân chia theo độ tuổi và nhóm các nhân viên y tế, chăm sóc xã hội. Ngay từ đầu tháng 12/2020, sau khi vaccine Pfizer/BioNtech được cấp phép tại Anh với liệu trình đầy đủ gồm 2 mũi, cách nhau 3 tuần, JCVI lập tức đưa ra hướng dẫn tiêm phòng, giúp chương trình được triển khai ngay từ ngày 7/12 tại các bệnh viện. Đến cuối tháng 12/2020, khi Anh cấp phép thêm vaccine AstraZeneca cũng là lúc số ca mắc mới tại nước này tăng mạnh. Thời kỳ này, Anh liên tục ghi nhận hơn 55.000 ca mắc mới mỗi ngày, vào đầu tháng 1/2021 lên tới khoảng .000 ca/ngày. Theo đà tăng số ca mắc mới, đến cuối tháng 1/2021, Anh có ngày ghi nhận đỉnh điểm hơn 1.700 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh cấp bách, JCVI đã ban hành hướng dẫn tăng tốc tiêm chủng cho nhóm những người nguy cơ cao, để giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Khuyến nghị của JCVI về việc nới rộng khoảng cách giữa 2 mũi tiêm thành tối đa 12 tuần, thay vì trung bình 4 tuần như trong thử nghiệm lâm sàng, được đáng giá là bước điều chỉnh mang tính bước ngoặt cho chương trình tiêm phòng của Anh. Khuyến nghị này được JCVI đưa ra dựa trên những dữ liệu nghiên cứu cho thấy việc nới khoảng cách thời gian giữa các mũi tiêm sẽ giúp tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn và hiệu quả cao hơn, trong khi cả vaccine của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech đều được khẳng định là cho hiệu quả cao ngay sau mũi đầu. Như vậy, trọng tâm của chương trình tiêm chủng lúc này ưu tiên tiêm mũi đầu cho càng nhiều người càng tốt để đạt được mục tiêu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở quy mô lớn hơn trong ngắn hạn, giảm số ca tử vong có thể tránh được do COVID-19.

Quyết định này sau đó đã chứng minh hiệu quả thực tế. Các dữ liệu sơ bộ về tiêm chủng do Dịch vụ Y tế cộng đồng vùng England công bố cho thấy các loại vaccine đã phát huy tác dụng, đặc biệt giúp giảm số ca nhập viện và tử vong, góp phần tránh được 11.700 ca tử vong và giảm 33.000 ca nhập viện, tính đến cuối tháng 4. Cũng theo đánh giá của cơ quan này, việc tiêm 1 mũi vaccine (bất kể loại nào) cũng đã mang lại hiệu quả giảm 80% số ca nhập viện do COVID-19, trong khi việc tiêm 1 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech đã mang lại hiệu quả giảm 85% số ca tử vong vì COVID-19.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 31/5 khi số ca mắc mới có dấu hiệu tăng nhẹ, đặc biệt số ca mắc biến thể mới của virus tại Ấn Độ ghi nhận ở vùng England tăng gấp đôi, lên 7.000 ca chỉ trong một tuần, Hiệp hội Y tế Anh xác nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện là người đã được tiêm phòng rất hiếm, phản ánh hiệu quả bảo vệ rất cao của vaccine. Theo chuyên gia Chris Hopson, Giám đốc Trung tâm cung ứng của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), do nhóm người cao tuổi đã được tiêm gần hết nên hiện các ca bệnh mới tại Anh chủ yếu là người trẻ, vì vậy tỷ lệ phải nhập viện để chăm sóc đặc biệt ở mức thấp.

Cho đến nay, Anh vẫn duy trì chương trình tiêm chủng COVID-19 dựa theo độ tuổi, ưu tiên nhóm tuổi có nguy cơ cao bệnh nặng và tử vong, với tin tưởng rằng đây là cách nhanh nhất và phù hợp nhất để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh gây ra những gánh nặng y tế không thể khắc phục. Nhờ tư duy này, Anh đã đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 90% cho nhóm người trên 70 tuổi. Các nghiên cứu của giới chức y tế Anh tới nay đều chỉ ra tốc độ tiêm là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp tối ưu hóa lợi ích mà vaccine mang lại cho người dân. Từ những kết quả này, Anh tiếp tục duy trì mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi cho tất cả người trưởng thành trước cuối tháng 7.

Từ một quốc gia nằm trong nhóm chịu tác động nặng nề nhất vì dịch bệnh, với hơn 4,48 triệu ca bệnh và hơn 127.000 ca tử vong, cao nhất tại châu Âu, hiện nay nhờ thành quả của chương trình tiêm chủng, Anh đang từng bước hoàn thiện kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 21/6.

Tính đến ngày 31/5, Anh đã tiêm phòng mũi đầu cho hơn 39,2 triệu người, tức là khoảng 75% tổng số người trưởng thành ở nước này. Chính phủ Anh tin tưởng sẽ thực hiện đúng lộ trình kế hoạch đến ngày 21/6 sẽ mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ xâm nhập và lây lan đang làm dấy lên lo ngại về khả năng thực hiện kế hoạch trên. Về vấn đề này, Chính phủ Anh một lần nữa đặt niềm tin vào các dữ liệu nghiên cứu được Đại học Oxford khẳng định, rằng các loại vaccine hiện hành có hiệu quả với biến thể virus ở Ấn Độ. Tuy nhiên, để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới và trong bối cảnh số lượng vaccine được cung cấp cũng dần tăng lên, Bộ Y tế Anh đã điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine, theo đó rút ngắn khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 xuống còn 8 tuần cho người trên 50 tuổi và nhóm các nhân viên y tế tuyến đầu. 

Giới chuyên gia y tế ở Anh đều đồng thuận rằng chiến lược điều chỉnh thời gian giãn cách mũi tiêm đóng vai trò "quyết định" giúp Anh đảm bảo thắng lợi trong chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo nguyên tắc đạt tối đa số người được tiêm vaccine trong khả năng. Đó là thành quả của việc triển khai thực hiện chương trình tiêm chủng vừa dựa trên dữ liệu nghiên cứu khoa học kết hợp điều chỉnh dựa theo tình hình dịch bệnh thực tiễn.

Tất nhiên, để chiến lược tiêm chủng thành công, phải kể đến một loạt các yếu tố bổ trợ cần thiết khác. Đó là hệ thống y tế quốc gia Anh, đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, vật lực và các đơn vị tiêm chủng đều trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ đầu tháng 12/2020. Chiến lược tuyên truyền được minh bạch ngay từ đầu về các vấn đề liên quan đến vaccine, qua đó giúp người dân hiểu rõ và phối hợp tích cực với chính phủ.

Có được kết quả khả quan trong cuộc chiến chống COVID-19, song Chính phủ Anh khẳng định không tự mãn mà sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những dữ liệu về tác động của vaccine với các biến thể, hiệu quả của việc tiêm phòng kết hợp nhiều loại vaccine, về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước virus trong tương lai, không loại trừ khả năng tiêm mũi bổ sung, để đảm bảo chiến lược tiêm phòng sẽ luôn được điều chỉnh phù hợp nhằm phòng chống hiệu quả nhất đại dịch COVID-19.

Lê Ánh (TTXVN)
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 hình thành 'ốc đảo khỏe mạnh' tại Brazil
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 hình thành 'ốc đảo khỏe mạnh' tại Brazil

Serrana, một thành phố tại bang Sao Paulo (Brazil) đã ghi nhận mức giảm 95% trường hợp tử vong vì COVID-19 sau khi hoàn tất chương trình tiêm vaccine dành cho gần như toàn bộ người dân trưởng thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN