Theo giới quan sát chiến lược, một khi Mỹ và đồng minh Australia có kế hoạch nâng cấp cơ sở quân sự này và triển khai thêm các trang thiết bị vũ khí quân lực trong tương lai, hai quốc gia phải cực kỳ cẩn thận để tránh “xích mích” với một quốc gia khác đang có quan hệ hữu hảo với cả hai: Indonesia.
Mặc dù cho đến hiện tại không có dấu hiệu cho thấy việc nâng cấp căn cứ Hải quân Lombrum khiến chính quyền Tổng thống Indoneisa Joko Widodo đặt báo động cao nhất song một quan chức chính phủ cấp cao trong tuần qua đã bày tỏ một số lo ngại.
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đề cập đến kế hoạch nâng cấp, ông Abdul Kharis Almasyhari – Chủ tịch một ủy ban quốc hội Indonesia phụ trách giám sát quốc phòng và an ninh – khuyến cáo các cường quốc nước ngoài không nên "quân sự hóa châu Á-Thái Bình Dương".
Ông kêu gọi chính quyền của Tổng thống Widodo vận động hành lang chống lại việc hình thành các căn cứ hải quân nước ngoài ở Papua New Guinea, cho rằng điều đó chỉ làm "tăng căng thẳng chính trị" trong khu vực.
Australia đã tiến hành nâng cấp căn cứ Hải quân Lombrum, đảo Manus của Papua New Guinea, trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/11 công bố nước Mỹ cũng tham gia kế hoạch. Cơ sở đóng vai trò cung cấp cho hải quân Mỹ một điểm quá cảnh để tiếp nhiên liệu và cũng có thể chứng minh tầm quan trọng trong nỗ lực giám sát hàng hải với các dự án hải quân sau này của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Giới phân tích giải thích bình luận của ông Abdul Kharis có thể liên quan đến những lo ngại tiềm ẩn trong chính quyền Indonesia về việc một phong trào ly khai kéo dài hàng chục năm ở bang Papua - tiếp giáp Papua New Guinea - một ngày nào đó có thể tìm được sự giúp đỡ từ các cường quốc bên ngoài.
"Luôn luôn có yếu tố nhạy cảm về Papua," Evan Laksmana, một nhà nghiên cứu quân sự Indonesia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Jakarta cho biết. “Cũng giống như việc Hải quân Mỹ ở Darwin đã trở thành một vấn đề quan ngại từ mấy năm trước, Indonesia sợ Mỹ và Australia có khả năng hỗ trợ cho Papua giành độc lập”.
“Tất cả là để đối phó với Trung Quốc”
Mục tiêu chiến lược chính của việc đồng minh triển khai nâng cấp căn cứ giám sát lần này là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Căn cứ Lombrum được Mỹ xây dựng vào năm 1944 trên đảo Manus, khi các lực lượng đồng minh đang chuẩn bị một cuộc tấn công cuối cùng vào Nhật Bản. Vào thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất, căn cứ với nhiều bến tàu, đường băng dài 2.7km là nơi đóng quân của hàng chục nghìn lính thủy quân lục chiến. Căn cứ còn là nơi đỗ của khoảng 800 tàu, một kho nhiên liệu và một bệnh viện với khoảng 3.000 giường.
To Koh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết động thái để ý tới vùng biển Tây Thái Bình Dương bao quanh đảo Manus xuất hiện trong bối cảnh có thông tin cho rằng Trung Quốc đang nhắm tới xây dựng một cảng và một căn cứ hải quân trên đảo.
Tập đoàn China Harbor Engineering trong năm 2016 đã thắng thầu phát triển Sân bay Momote trên đảo, song cả Bắc Kinh lẫn chính quyền Papua New Guinea đều không xác nhận người Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng một bến cảng.
Ông Koh nói: “Kế hoạch nâng cấp cơ sở là một phần trong chiến lược được Australia và đồng minh điều chỉnh nhằm tăng cường sự tham gia với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương trên nhiều mặt trận - ngoại giao, kinh tế và an ninh.”
Đối với một số nhà phân tích Australia, căn cứ Hải quân Lombrum là câu trả lời trực tiếp cho âm mưu quân sự hóa Trung Quốc trên Biển Đông.
Peter Jennings thuộc Viện chính sách chiến lược Australia viết trong một bài bình luận: "Kế hoạch Lombrum chỉ đơn giản giống như những gì quân đội Trung Quốc đang làm ở Biển Đông - tăng khả năng tiếp cận, tạo ra nhiều lựa chọn hoạt động hơn và gây rối chiến lược của đối thủ".
Giống kế hoạch của Bắc Kinh, căn cứ Lombrum cần một sự bảo vệ từ trên không, và từ đó dấy lên sự cần thiết trong việc chuyển đổi sân bay Momote thành một sân bay quân-dân sự. "Chuyển đổi sân bay Momote thành một cơ sở quân-dân sự sẽ bắt đầu biến đảoManus trở thành một quân bài thay đổi trò chơi chiến lược ở Thái Bình Dương", nhà phân tích Jennings giải thích.
Hiện các nhà phân tích cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Mỹ và Australia là làm dịu những “cái đầu nóng” ở Papua New Guinea. Đã có một số tuyên bố tỏ thái độ bất bình ở quốc gia Thái Bình Dương này về kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân nói trên.
Thống đốc đảo Manus Charlie Benjamin tuyên bố việc nâng cấp là không cần thiết. "Thực sự mà nói Papua New Guinea không có chiến tranh và chúng tôi không cần bất kỳ sự trợ giúp nào ngay bây giờ, việc cho phép Australia và Mỹ đến Lombrum chỉ đem lại lợi ích cho riêng họ mà thôi", Thống đốc Benjamin phát biểu sau khi thông báo của Phó Tổng thống Pence được công bố.