Cần một chiến lược toàn diện chống khủng bố

Washington coi việc tiêu diệt các thủ lĩnh thánh chiến là chiến thuật chủ chốt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nếu chỉ có các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thì không đủ để có được sự hiệu quả.

Nhà Trắng hôm 16/6 đã tuyên bố rằng cái chết của Nasir al-Wuhayshi, chỉ huy nhánh của Al-Qaeda ở Yemen, trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do CIA thực hiện, là "một đòn giáng mạnh" vào mạng lưới khủng bố này. Cuộc tấn công được thực hiện ngay sau khi thủ lĩnh nhóm phiến quân Al-Murabitoun ở Bắc Phi, Mokhtar Belmokhtar, bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ nhằm vào một buổi tụ họp của các nhân vật có mối liên hệ với Al-Qaeda ở miền Đông Libya.

Ảnh tư liệu) Thủ lĩnh AQAP Nasir al-Wuhayshi tại thị trấn Jaar thuộc tỉnh Abyan, miền nam Yemen ngày 28/4/2012.Ảnh:AFP/TTXVN


Tuy nhiên, các vụ tấn công trước đây của Mỹ mặc dù tiêu diệt được các thủ lĩnh thánh chiến song đã không thể ngăn chặn được bước tiến của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực, và hiện vẫn chưa rõ liệu thành công về mặt chiến thuật này có dẫn tới một chiến thắng chiến lược hay không.

Nick Heras - nhà phân tích làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ, một cơ quan nghiên cứu ở Washington - nói rằng nhánh Al-Qaeda tại Bán đảo Arập (AQAP) có thể sẽ trở nên mạnh hơn sau cái chết của al-Wuhayshi. AQAP hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với các cơ sở của phương Tây và tình trạng hỗn loạn trong cuộc nội chiến tại Yemen đã giúp tổ chức này có cơ hội phát triển. Nhà nghiên cứu Heras nói với hãng tin AFP: "Rất có khả năng AQAP sẽ nổi lên sau vụ thủ lĩnh bị tiêu diệt”.

AQAP, lực lượng đứng đằng sau một loạt âm mưu chống lại các cở sở của phương Tây, trong đó có vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo của Pháp, đã nhanh chóng chỉ định Qassem al-Rimi là thủ lĩnh mới. Theo ông Heras, nhiều ý kiến cho rằng al-Rimi "sẽ tập trung nhiều hơn vào việc tấn công các mục tiêu phương Tây từ căn cứ của Al-Qaeda ở Yemen. Hắn ta cũng được cho là kẻ có đầu óc logic, một thủ lĩnh có thể có ít uy tín hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn”. Do đó, Heras cảnh báo rằng cuộc tấn công vừa qua mà Mỹ ca tụng có thể sẽ gây ra “hiệu ứng ngược là khiến AQAP trở nên hoạt động hiệu quả hơn”.

Nhà phân tích này cho rằng việc tiêu diệt được một thủ lĩnh thánh chiến “không thể làm lay chuyển toàn bộ cấu trúc của tổ chức khủng bố này... Nó có thể làm suy yếu quyền kiểm soát lãnh thổ của AQAP song không thể đẩy tổ chức này ra khỏi những khu vực mà chúng đang kiểm soát tại Yemen”.

Al-Qaeda vẫn là một mối đe dọa lớn kể cả sau khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Osama bin Laden của tổ chức này hồi tháng 5/2011. Và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã nổi lên từ phần còn lại của nhánh Al-Qaeda tại Iraq, ngay cả khi các vụ đánh bom của Mỹ đã khiến thủ lĩnh sáng lập nhánh này là Abu Musab Al-Zarqawi thiệt mạng và nhiều thủ lĩnh khác bị bỏ tù.

Trên thực tế, các tổ chức cực đoan tại Syria có thể đã được tiếp thêm sức mạnh vào năm 2014, khi các vụ đánh bom của Mỹ nhằm vào các tay súng ở phía tây bắc Syria khiến nhiều thành viên của các tổ chức này thiệt mạng. Nhà phân tích Heras cho rằng các vụ tấn công này “đã gây ra nhiều oán giận” và khiến “ảnh hưởng của các nhóm do Mỹ hậu thuẫn bị sụp đổ”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức Mỹ có cái nhìn lạc quan hơn về những thành công gần đây của họ. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, nói rằng các cuộc tấn công này cho thấy mặc dù quân đội Mỹ không triển khai lực lượng tấn công trên bộ tại khu vực, song Washington vẫn có thể gây tổn hại cho kẻ thù.

Emily Schneider, một thành viên cấp cao trong chương trình an ninh quốc tế của Trung tâm An ninh Mỹ, cho rằng các cuộc tấn công gần đây của Mỹ là một sự thành công, tuy nhiên ông cảnh báo: “Liệu đây có phải là một chiến lược thành công hay không thì vẫn cần phải xem xét. Những thủ lĩnh mới có thể không thông minh bằng các thủ lĩnh cũ nhưng chúng có thể nhanh nhẹn hơn, trẻ tuổi hơn và sẵn sàng sử dụng những nguồn lực mới để chiêu mộ thêm quân”.

TTK
Quân đội Ai Cập tiêu diệt hàng chục phiến quân Hồi giáo
Quân đội Ai Cập tiêu diệt hàng chục phiến quân Hồi giáo

Quân đội Ai Cập ngày 19/6 đã tấn công và tiêu diệt 15 tay súng Hồi giáo có liên hệ với tổ chức IS, đồng thời làm bị thương 20 tên khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN