Ngay sau chuyến thăm Ấn Độ ba ngày (từ ngày 25-27/1) của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Quỹ Châu Á Thái Bình Dương của Canada đã đăng bài viết của tác giả Stewart Beck đánh giá cao đường lối đối ngoại hiện nay của chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.Giới nghiên cứu Canada cho rằng, có nhiều nguyên nhân giúp Mỹ và Ấn Độ vượt qua những trở ngại tưởng chừng khó bỏ qua sau nhiều rắc rối ngoại giao, trong đó phải kể đến việc chính Thủ tướng Modi đã từng bị Mỹ liệt vào "danh sách đen" sau khi xảy ra làn sóng bạo lực gây nhiều thương vong tại bang Gujarat, nơi ông Modi khi đó là Thủ hiến bang.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Barack Obama (trái) trước cuộc gặp ở New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, có thể khẳng định nguyên nhân chính, và chủ yếu là việc cả hai đều nhìn nhận được tầm quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Thứ nhất, về tính toán chiến lược, Mỹ đang triển khai chính sách “Xoay trục sang châu Á”, và Ấn Độ là chính sách “Hướng Đông”. Cả hai đều phải đối mặt với sự "trỗi dậy" của Trung Quốc. Đây là điều chắc chắn khiến cả Mỹ và Ấn Độ đau đầu. Cả hai đều muốn kiềm chế để những tham vọng của Trung Quốc không đe dọa đến lợi ích của họ.
Quan ngại này được thể hiện ngay trong Tuyên bố chung giữa hai bên. Mặc dù không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc song Tuyên bố chung đã kêu gọi các bên tránh đe dọa hay sử dụng vũ lực trong tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Thứ hai, về kinh tế, Ấn Độ cần đầu tư và công nghệ của Mỹ để phát triển. Đối với Ấn Độ, quan hệ tốt với Mỹ giúp tiếp cận dễ dàng hơn hàng hóa công nghệ cao phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự. Và đối với Thủ tướng Modi, mở cửa thu hút các nhà đầu tư Mỹ là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế mà ông khởi xướng.
Còn Mỹ muốn vững chân và có phần lớn trên thị trường ở Ấn Độ trong bối cảnh bị cạnh tranh quyết liệt. Mỹ coi Ấn Độ là thị trường lớn và là đối trọng đầy tiềm năng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á.
Và vì thế, cả Ấn Độ và Mỹ đều thắng lợi khi đạt được thỏa thuận về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự. Thỏa thuận hạt nhân dân sự này từng bị trì hoãn nhiều lần do Mỹ lo ngại những quy định chặt chẽ của Ấn Độ về trách nhiệm khi xảy ra sự cố hạt nhân.
Với thỏa thuận này, Ấn Độ đồng ý nhượng bộ về vấn đề chịu trách nhiệm khi xảy ra thảm họa đồng thời loại bỏ trở ngại để các công ty năng lượng hạt nhân Mỹ bước vào thị trường. Đổi lại, Mỹ ngầm thừa nhận Ấn Độ không cần phải thực hiện theo các chỉ tiêu giảm lượng khí thải carbon. Tổng thống Obama cũng cam kết dành 4 tỷ USD để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, tạo việc làm tại Ấn Độ và tạo nguồn tài chính mới cho các dự án phát triển.
Tác giả cho rằng, việc Ấn Độ cải thiện quan hệ với Mỹ, cũng như với Canada sẽ phần nào giúp giảm bớt những căng thẳng địa chiến lược và mở đường cho đối thoại mang tính xây dựng nhiều hơn về các vấn đề kinh tế và an ninh quan trọng.
Xây dựng được mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau sẽ giúp Ấn Độ thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài từ hai nước này. Canada cũng có thể tính toán đầu tư Quỹ Hưu trí vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ.
Cải thiện quan hệ cũng giúp mở đường cho một mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ với Mỹ và Canada, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ thông tin tình báo nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác đối phó với các lực lượng khủng bố quốc tế.
Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)