Căng thẳng Iran - Saudi Arabia: Bài toán khó cho OPEC

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran đã tạo ra một phép thử mới cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đặc biệt trong bối cảnh liên minh sản xuất dầu mỏ này đang trải qua giai đoạn thách thức như hiện nay.

Từ trước tới nay, nhóm 13 quốc gia đang kiểm soát hơn 1/3 nguồn cung dầu mỏ trên thế giới này luôn có khả năng vận hành tốt ngay cả khi các thành viên trong nhóm có xung đột với nhau. Vào những năm 1980, Iraq và Iran vẫn gửi đại diện tới tham dự các cuộc họp của OPEC khi hai bên đang có chiến tranh, trong khi các quan chức dầu mỏ của ông Saddam Hussen vẫn ngồi cùng bàn đàm phán với các đại diện chính phủ ly khai của Kuwait sau khi bị Iraq xâm chiếm năm 1990.

Một cuộc biểu tình tại Iraq phản đối quyết định của Saudi Arabia tử hình một giáo sỹ dòng Shi’ite.

Tuy nhiên, những căng thẳng xung quanh việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ nổi tiếng dòng Shi’ite Nirm al - Nirm có thể sẽ là một vấn đề nan giải đối với OPEC bởi sự giận dữ mang tính giáo phái mà nó gây ra sẽ lan rộng cả khu vực Trung Đông, tới những quốc gia mà nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng giá dầu giảm. Saudi Arabia là một quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni, trong khi Iran lại chủ yếu theo dòng Shi’ite. Các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni khác, trong đó có cả các thành viên của OPEC và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, cũng đã nối tiếp Riyadh hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran bị người biểu tình đốt phá.

Trong khi đó, các lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Iraq, quốc gia thành viên OPEC có tỷ lệ người Hồi giáo dòng Shi’ite chiếm đa số, đã lên tiếng chỉ trích Saudi Arabia về việc tử hình giáo sĩ nói trên. Một đại diện của quốc gia Arập Vùng Vịnh Persic tại OPEC nói: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải một tình huống nào tương tự thế này”. Đại diện này cho biết điều khác biệt ở lần này là sự sôi nổi của nhà sản xuất dầu mỏ Mỹ, nước đang kiểm soát các thị trường dầu thô và ngăn cản OPEC không sử dụng công cụ chính của mình để xoa dịu thị trường, đó là điều tiết các dòng sản lượng dầu mỏ. Trong vòng 18 tháng qua, giá dầu đã suy giảm tới hơn 60%. Bản thân Saudi Arabia và Iran - được cho là hai thành viên có ảnh hưởng nhất của OPEC - cũng luôn có những bất đồng xung quanh chính sách sản xuất dầu mỏ.

Dự kiến, Iran sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô ra thị trường quốc tế vào đầu năm nay sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này hầu như được dỡ bỏ hoàn toàn. Tại cuộc họp của OPEC hồi tháng 12/2015 ở Vienna, các quan chức Iran đã kêu gọi các thành viên khác cắt giảm sản lượng để giá dầu thô không giảm thêm khi dầu thô của Iran quay trở lại thị trường toàn cầu. Saudi Arabia đã từ chối lời đề nghị này và OPEC đã từ bỏ mọi yêu sách về việc kiểm soát sản lượng, kể cả mục tiêu sản xuất 30 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bộ trưởng dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã thể hiện rõ sự thất vọng khi rời khỏi cuộc họp.

Trong năm vừa qua, Saudi Arabia đã bơm ra thị trường một mức dầu kỷ lục và khuyến khích các thành viên khác cũng làm như vậy. Chiến lược này đi ngược lại với chính sách trước đây là cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Mặc dù trước đây, bao gồm cả giai đoạn cuối những năm 1990, Saudi Arabia và Iran đã từng thảo luận về kế hoạch hợp tác hành động trong sản xuất dầu mỏ, song giới phân tích vẫn nhìn nhận rằng những hy vọng về một thỏa thuận tương tự như thế trong giai đoạn hiện nay là khá mơ hồ.

Cuộc khủng hoảng giá dầu đã gây ra một áp lực nặng nề lên các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu như các thành viên OPEC. Hồi tuần trước, Riyadh đã tiết lộ mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong năm 2015 - gần 367 tỷ ryal (tương đương 98 tỷ USD), chiếm khoảng 15% GDP. Vương quốc này hy vọng sẽ đạt mức thâm hụt thấp hơn trong năm 2016 là 326,2 tỷ ryal.

Tại Iran, các quan chức dầu mỏ cũng đang đối mặt với viễn cảnh gia tăng sản lượng do giá dầu đang tiếp tục giảm. Tuần trước, ông Zanganeh cho biết ngân sách Iran trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 3 tới sẽ áp dụng mức giá dầu trung bình là 40 USD/thùng, so với 72 USD/thùng vào năm 2015.
TTXVN/Tin Tức
Iran không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia
Iran không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 11/1 tuyên bố Tehran không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN