Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng ngày càng có thái độ cứng rắn đối với Nhà nước Hồi giáo Iran. Xu hướng chia rẽ, đối đầu giữa các quốc gia Trung Đông có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và gây ảnh hưởng tới giá dầu trên thị trường thế giới.
Ngày 4/1, Saudi Arabia tuyên bố cấm công dân tới Iran, đồng thời đình chỉ các chuyến bay giữa hai nước. Trước đó, ngày 2/1, Saudi Arabia đã tử hình 47 giáo sỹ có thế lực, trong đó có 4 người thuộc dòng Shi'ite. Hành động trên đã làm thổi bùng "ngọn lửa" phẫn nộ của người Iran, và ngay sau đó một đám đông người Iran đã tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Teheran.
Một cuộc biểu tình tại Tehran phản đối quyết định tử hình các giáo sỹ dòng Shi'ite của Saudi Arabia. |
Trong khi Tổng thống Iran Hassan Rowhani lên tiếng phê phán hành động tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia thì lãnh tụ tối cao của Iran là ông Ali Khamenei lại tuyên bố Saudi Arabia phải “hứng chịu sự trả thù của những vị thần”. Tuyên bố này khiến người Saudi Arabia nổi giận.
Theo nhận định của báo "Le Figaro" (Pháp), với việc xử tử các giáo sỹ dòng Shi'ite, Saudi Arabia muốn trấn an một bộ phận khá lớn những người theo dòng Sunni đang có xu hướng bị IS “quyến rũ”. Saudi Arabia cũng muốn chứng tỏ rằng họ không khoan nhượng với các phần tử Hồi giáo thánh chiến, những kẻ đã tiến hành nhiều vụ khủng bố trên lãnh thổ nước này.
Saudi Arabia và Iran là hai nước lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông. Động thái cắt đứt quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran được các chuyên gia nhận định sẽ tác động lớn tới tình hình tại Syria, nơi được coi là đang diễn ra cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Iran và Saudi Arabia. Chính quyền Saudi Arabia ủng hộ các lực lượng chống đối thuộc dòng Hồi giáo Sunni nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (vốn theo dòng Shi'ite và được Iran hậu thuẫn). Tình trạng đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran sẽ khiến cuộc chiến tương tàn tại Syria khó có thể kết thúc sớm.
Để giải quyết cuộc nội chiến tại Syria, hai ngoại trưởng của Iran và Saudi Arabia đã lần đầu tiên ngồi vào bàn thương thảo trong một hội nghị đa phương hồi tháng 10/2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể hy vọng hai bên sẽ đối thoại mang tính xây dựng.
Tại Yemen cũng diễn ra tình trạng đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran. Tháng 3/2015, Saudi Arabia đã quyết định can thiệp quân sự vào Yemen nhằm giúp lực lượng chính phủ nước này chống lại nhóm vũ trang Houthi thuộc dòng Hồi giáo Shi'ite. Saudi Arabia tố cáo Iran hậu thuận lực lượng vũ trang Houthi, song Iran bác bỏ. Rơi vào tình trạng xung đột triền miên, Yemen hiện trở thành một địa bàn lý tưởng để IS phát triển.
Saudi Arabia và Iran tuyệt giao là cơ hội tuyệt vời đối với IS. Sự đối đầu này sẽ kéo theo những thay đổi chính sách giữa các nước nhỏ thân hữu hoặc nằm trong vòng ảnh hưởng của hai nước lớn này. Tình trạng đối đầu, bất ổn lan tràn ở Trung Đông chính là cơ hội phát triển sức mạnh, mở rộng lãnh thổ của IS.
Sự đối đầu giữa hai nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này cũng sẽ tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ thế giới, vốn đang trong tình trạng cung vượt quá cầu. Các nước OPEC khó có thể đạt được thỏa thuận giảm sản lượng. Iran đang hy vọng sẽ được Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận trong tháng 1/2016. Ngay sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Iran sẽ tăng xuất khẩu dầu lên 500.000 thùng/ngày. Trong khi đó, Saudi Arabia đang trong cuộc chiến chống lại dầu đá phiến của Mỹ nên chắc chắn sẽ không giảm sản lượng. Mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và Iran đã khiến giá dầu thị trường thế giới ngày 4/1 nhích lên, song về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm.