Thông thường, các hội nghị thượng đỉnh đều tập trung vào vấn đề kinh tế. Thế nhưng, cuộc gặp của 28 nhà lãnh đạo các quốc gia EU tới đây sẽ phải bàn một vấn đề cũng không kém phần nóng bỏng: cuộc chiến chống khủng bố. Mối quan hệ giữa EU và Nga được lên kế hoạch thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 3.
Liệu các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga có thay đổi được tình hình ở Ukraine? Ảnh: RT.
|
Tuy nhiên, cuộc tấn công của quân ly khai ủng hộ Nga và pháo kích hôm 24/1 ở Mariupol, thành phố lớn nhất của tỉnh Donetsk mà hiện Kiev còn kiểm soát, đã khiến châu Âu lo sợ. Ngày 25/1, chiến sự lại tiếp diễn ở miền Bắc Donetsk. Ngay trong tối 25/1, Latvia, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã thúc ép Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini, triệu tập một cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Ngoại giao ngay ngày 26/1.
Cuộc họp này sau đó được hoãn tới ngày 29/1 để chuẩn bị kỹ càng hơn. Đại diện thường trực của 28 quốc gia EU phải tới thị sát tại Ukraine hôm 27/1, sau đó cung cấp thông tin cho các Ngoại trưởng để tiến hành cuộc họp bất thường vào ngày 29/1.
Các biện pháp trừng phạt Kremlin của EU kèm theo sự sụt giảm của giá dầu cho đến nay đã không có tác dụng đối với cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Ngược lại, trong những ngày qua, nó lại gia tăng trầm trọng hơn. Càng ngày lời lẽ của châu Âu càng cứng rắn hơn. Nhưng các biện pháp trừng phạt mới mà EU sẽ tiếp tục áp dụng đối với Nga có lẽ chỉ mang tính hình thức, vì nó sẽ chẳng làm thay đổi được gì.
Trong khi đó, Ukraine, quốc gia đối tác đặc biệt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng có cuộc họp khẩn với các đồng minh. Sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nghiêm giọng rằng: “Các đòn trừng phạt kinh tế rất quan trọng. Cần phải cho Nga thấy rõ là việc không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế sẽ mang tới cho họ một cái giá phải trả”.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/1 đã cáo buộc phương Tây sử dụng quân đội Ukraine như một “quân đoàn nước ngoài” để tấn công lại Nga.
TTK