Thế kẹt của EU giữa lợi ích và giá trị về Nga

EU cần Nga để giải quyết những thách thức lớn trong khu vực và thúc đẩy lợi ích của liên minh này, nhưng vẫn có quan điểm cứng rắn về các lệnh trừng phạt nhằm bảo vệ những "giá trị" của EU.

Elmar Brok là một nhà chính trị kỳ cựu của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức và là một thành viên lâu năm của Nghị viện châu Âu (EP). Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của EP, vai trò của ông Brok trở nên quan trọng trong bối cảnh quyền lực của Nghị viện châu Âu ngày càng tăng lên.

Vì vậy, ngày 15/1 vừa qua, khi mà các ủy viên của EP thông qua một nghị quyết cứng rắn hơn đối với Nga – nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva liên quan đến vấn đề Ukraine phải được duy trì và thậm chí còn được mở rộng hơn – ông Brok tuyên bố rằng EP đã không có lựa chọn.

“Đến nay, chúng tôi vẫn không thấy gì ở Nga có thể thuyết phục chúng tôi xóa bỏ các lệnh trừng phạt. Nghị viện châu Âu đã đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng không có bất kỳ một sự tiến bộ nào trong việc thực thi thỏa thuận Minsk. Vì vậy, (EP) sẽ không xem xét việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt”, ông Brok nói.

Thủ tướng Đức Merkel (phải) vẫn có quan điểm cứng rắn về các lệnh trừng phạt đối với Nga.


Thỏa thuận Minsk, một thỏa thuận giữa Kiev, Nga và lực lượng đòi độc lập nhằm chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraine, hiện đang bị vi phạm. Trong những ngày gần đây, các cuộc giao tranh dữ dội đã nổ ra tại miền đông Ukraine gây thương vong lớn cho cả hai phía. Trên thực tế, vấn đề ngừng bắn theo thỏa thuận này, vốn được giám sát bởi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hiếm khi được thực hiện một cách nghiêm túc kể từ khi nó được ký kết vào tháng 9/2014.

Theo ông Brok, ngoài một vài trường hợp ngoại lệ trong các lĩnh vực chính sách đối ngoại khác, Nga đã “không hợp tác hay hợp tác rất ít và họ không phải là một đối tác xây dựng”.

Ngược lại với quan điểm của EP về Nga, chính sách của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) dường như đang có sự thay đổi. Trong một tài liệu mới “Trình bày về các vấn đề trong mối quan hệ với Nga” của Hội đồng các vấn đề Đối ngoại châu Âu, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách về chính sách an ninh và đối ngoại của của EU, người đứng đầu của EEAS cho rằng đã đến lúc xem xét việc “làm thể nào để EU có thể hy vọng hợp tác với Nga trong ngắn hạn và trung hạn”. Các Bộ trưởng Ngoại giao của EU đã thảo luận về tài liệu này khi họ gặp nhau trong một hội nghị diễn ra vào ngày 19/1 vừa qua. Theo tài liệu trên, “một tiến trình như vậy có lẽ là cần thiết để lựa chọn, từng bước và tương xứng với cấp độ phản ứng tích cực từ Nga”.

Thời điểm mà tài liệu trên được đưa ra cũng rất quan trọng. Một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đầu tiên sẽ hết kỳ hạn gia hạn vào tháng 3 này. Trong thời gian chờ đợi, bà Mogherini đang tìm kiếm một vài “nền tảng cho sự thỏa hiệp và có lẽ ám chỉ về một phương pháp tiếp cận có sự nhân nhượng lẫn nhau bên trong hoặc giữa các bên”.

Tuy nhiên, ông Brok và quan trọng hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn chưa được thuyết phục rằng đây là thời điểm để nới lỏng các lệnh trừng phạt. Do thái độ của bà Merkel với Nga nói chung và các lệnh trừng phạt nói riêng là vấn đề cốt yếu đối với tầm ảnh hưởng trong chính sách của EU, nên “khoảng trống” để bà Mogherini “cơ động” trong vấn đề này có thể bị giới hạn.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đặt EU vào thế khó trong mối quan hệ với Nga.


Dù sao, tài liệu mà người đứng đầu về chính sách sách đối ngoại của EU công bố cho thấy rằng quan điểm của bà Mogherini và Merkel (và ông Brok) về Nga là hoàn toàn khác nhau.

Phương pháp tiếp cận của bà Mogherini chủ yếu dựa vào lợi ích. Theo người đứng đầu của EEAS, “có những lợi ích lớn đối với cả hai bên”, hàm ý rằng có thể đây là một cơ hội để hòa giải những mối quan tâm chung. Sự hợp tác từng bước, có chọn lọc giữa Nga và EU có thể tập trung vào “chính sách đối ngoại, thương mại và  hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể”. Bà Mogherini cũng lập luận rằng EU cần Nga để giải quyết “những thách thức lớn trong khu vực và thúc đẩy lợi ích của EU trong đó có vấn đề nhân quyền”.

Nhưng bà Merkel lại có cách nhìn khác. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga và các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát, Thủ tướng Đức đã có quan điểm cứng rắn về các lệnh trừng phạt Moskva. Đối với bà Merkel, đó là một vấn đề nhằm bảo vệ các giá trị của EU.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, bà Merkel đã gọi sự sáp nhập Crimea và các sự kiện ở miền đông Ukraine là “một sự vi phạm luật pháp quốc tế và các giá trị của chúng ta”. Khi đề cập đến việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, bà Merkel cho biết: “Vào mùa xuân tới, chúng tôi sẽ thảo luận về việc làm thế nào để giải quyết các lệnh trừng phạt... Căn cứ vào tình hình hiện nay, chúng có thể sẽ tiếp tục được duy trì”.

Mặc dù vậy, ông Brok cũng thừa nhận rằng: “EU nên sử dụng tất cả các kênh để tiếp tục các cuộc đối thoại. Rõ ràng sẽ không có bước đột phá ngay tức thì nhưng những gì chúng ta không thể làm là đưa ra những tín hiệu sai đối với Tổng thống Nga Putin về các lệnh trừng phạt”. Vậy trong thời điểm này, liệu các lệnh trừng phạt có phải là động lực duy nhất của EU?


Công Thuận(Theo C.E)

EU không còn sợ ‘tối hậu thư’ của Nga
EU không còn sợ ‘tối hậu thư’ của Nga

Dù quan chức Nga có tuyên bố việc dừng Dòng chảy phương Nam là một tổn thất đối với châu Âu, các chuyên gia năng lượng nhìn nhận dự án mới của Nga ít có tính khả thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN