Cuộc tranh cãi này tạo nên sự đối đầu giữa một bên là những người cho rằng Khu vực đồng euro (Eurozone) với 19 quốc gia thành viên cần phải có bước tiến hội nhập liên bang mạnh mẽ để có thể tồn tại như một khu vực đồng tiền chung ổn định, với một bên là những người cho rằng châu Âu nên thay đổi có chừng mực.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tháng 6/2015, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một loạt biện pháp cần được thực hiện trong 2 năm tới để củng cố liên minh ngân hàng của khối, hội nhập tốt hơn các thị trường vốn, năng lượng, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế và ngăn chặn tình trạng bất cân bằng kinh tế vĩ mô mà không cần phải thay đổi hiệp ước EU. Ngay cả những đề xuất không quá ấn tượng này cũng vấp phải sự chống đối, nhất là ở Berlin.
Những ý tưởng tham vọng hơn cũng được đưa ra ở Paris và tại trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt. Trong những ngày Eurozone thỏa thuận giữ Hy Lạp ở lại khu vực bằng một gói cứu trợ thứ ba, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron và một quan chức cấp cao thuộc ECB - ông Benoit Coeure - đã kêu gọi thành lập một ngân khố Eurozone có ngân sách, nghị viện và quyền lực riêng để giám sát các chính sách tiền tệ và kinh tế quốc gia. Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron cho rằng Paris và Berlin sẽ phải từ bỏ những hạn chế trước đây về chủ quyền và chia sẻ rủi ro để “tái sáng tạo” châu Âu và để Eurozone hoạt động hiệu quả. Ông Macron cho rằng một chính phủ kinh tế châu Âu dưới sự lãnh đạo của một siêu cao ủy nên có khả năng vay mượn trên các thị trường và có một ngân sách riêng lớn hơn 1% GDP của EU.
Ngoài ra, thành viên ban chấp hành ECB Benoit Coeure đã kêu gọi thành lập một bộ tài chính châu Âu dưới sự giám sát của Nghị viện châu Âu. Bộ này sẽ có trách nhiệm ngăn chặn những bất cân bằng kinh tế và tài khóa, giải quyết khủng hoảng và quản lý ngân sách Eurozone, cũng như đại diện cho các chính phủ Eurozone tại các thể chế kinh tế và tài chính quốc tế.
Phản ứng từ Đức, cường quốc kinh tế chính trị hàng đầu châu Âu, thận trọng chứ không tùy tiện. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc củng cố Eurozone chắc chắn là một tiến trình dần dần, bởi có ít chính phủ muốn thay đổi hiệp ước nền tảng của EU, yêu cầu phải được thông qua bằng cách trưng cầu ý dân ở một vài nước. Bà cho biết Berlin và Paris đang cùng nhau cải cách liên minh ngân hàng châu Âu, xây dựng liên minh thị trường tiền tệ và tăng cường sự quản lý hiệu quả hơn để thúc đẩy cạnh tranh kinh tế, và tiếp đó có thể xem xét một nguồn tài chính bổ sung nào đó để giúp các nước cải cách.
Vẫn chưa rõ liệu Pháp có sẵn sàng tăng thêm quyền lực đối với chính sách tiền tệ và kinh tế hơn trước hay không, và liệu Đức khi đó có sẵn sàng chia sẻ thêm rủi ro thông qua một ngân sách chung Eurozone hay chung nợ hay không. Hiện Berlin đang ngần ngại ngay cả trước một đề xuất khiêm tốn về việc cùng tái bảo hiểm các cơ chế bảo hiểm tiền gửi ngân hàng quốc gia. Sự gia tăng các đảng phái phản đối đồng euro ở nhiều quốc gia thành viên, bao gồm có Pháp, khiến cho sự hội nhập hơn nữa của Eurozone trở nên mạo hiểm hơn về mặt chính trị, dù không phải là không thể.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thừa nhận rằng các nền kinh tế Eurozone đã bị chia rẽ trong khủng hoảng, với tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng tăng lên, tăng trưởng tiềm năng sụt giảm, khiến người dân thêm nghi ngại về đồng tiền chung. Ông Juncker, một trong những kiến trúc sư của đồng euro 16 năm qua, đã cam kết từ giữa năm 2017 sẽ tiếp tục tạo lập một ngân khố Eurozone dựa trên quỹ cứu trợ hiện có của khối để củng cố cho nền kinh tế.
Những thay đổi đó, cùng với việc làm cho sự giám sát các chính sách kinh tế và tài chính của châu Âu trở nên ràng buộc hơn, sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi trong hiệp ước EU mà cả Đức và Pháp đều không muốn đưa ra trước các cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2017.