Châu Phi - hy vọng mới của thế giới

Trong khi châu Á trở thành động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, châu Phi với tiềm năng tăng trưởng cao đang trở thành niềm hy vọng mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo các nhà nhân khẩu học, kinh tế học, các chuyên gia công nghiệp và nông nghiệp, châu Phi có đầy đủ các yếu tố để trở thành cỗ máy kinh tế quan trọng trong nhiều thập kỷ tới. Với số dân hơn 1,1 tỷ người, châu Phi có tiềm năng rất lớn. Khoảng 1/3 trong số 54 quốc gia châu Phi có mức tăng trưởng GDP hàng năm hơn 6%, khiến châu lục này có mức tăng trưởng cao thứ hai thế giới sau châu Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình 4,7% mỗi năm. Giới trẻ được giáo dục tốt hơn đang bước vào thị trường việc làm, tỷ lệ sinh đang bắt đầu giảm và khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng cao hơn số người phụ thuộc, tăng trưởng chắc chắn sẽ được thúc đẩy.


Các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) ngày 10/6 tại thành phố Sharm el - Sheikh, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi châu Á đã tận hưởng cơ cấu "dân số vàng" bắt đầu từ ba thập kỷ trước và đang giảm dần thì điều này chỉ mới bắt đầu diễn ra ở châu Phi. “Lục địa đen” sẽ sớm có lực lượng lao động lớn nhất hành tinh, ước đạt 163 triệu người trong thập kỷ này và châu Phi vào giữa thế kỷ 21 sẽ chiếm 25% lực lượng sản xuất thế giới. Trào lưu công nghệ cũng là một yếu tố rất lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở châu Phi, chẳng hạn như ngành công nghiệp điện thoại di động đã tăng từ mức 2% năm 2000 lên 78% hiện nay. Trong lĩnh vực y tế cũng có những cải thiện, chẳng hạn như tỷ lệ HIV/AIDS đã giảm rõ rệt.

Trong số 54 quốc gia châu Phi, Nam Phi vẫn được coi là cường quốc đầu tiên của “lục địa Đen”, cửa ngõ vào châu Phi - khi nhiều nước châu Phi khác đã dựa vào cảng Cape Town để giao thương với thế giới bên ngoài. Nigeria được coi là quyền lực mới của châu Phi với 173,6 triệu dân, GDP tăng hơn 200% trong vòng 10 năm. Trong khi đó ở Đông Phi, Rwanda được coi là nền kinh tế mới nổi, đứng đầu trong số các nước châu Phi thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ Liên hợp quốc. Tạp chí “The Economist” dự đoán bảy trong số mười quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới sẽ đến từ châu Phi.

Bên cạnh câu chuyện tăng trưởng, châu Phi cũng đối diện với không ít các thách thức, chẳng hạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng chắc chắn khiến châu lục này gặp không ít vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như điện, giao thông, bến cảng, thị trường vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một loạt các dịch bệnh chết người cũng tác động lớn đến “lục địa Đen”, mới nhất là dịch Ebola. Hiện vẫn còn mối đe dọa bạo lực từ các nhóm khủng bố như Boko Haram và Al - Shabaab. Cướp biển và cướp có vũ trang chủ yếu xảy ra ở Vịnh Guinea, nơi số vụ cướp biển chiếm hơn 25% thế giới và tăng dần kể từ năm 2007, gây mất an ninh hàng hải trong khu vực.

Châu Phi đánh giá đúng các thách thức, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, thực thi pháp luật và quan hệ đối tác với các nước quan trọng. Các nước châu Phi đã dựa vào kinh nghiệm thực tiễn châu Á trong việc bảo vệ eo biển Malacca khỏi nạn cướp biển. Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á sẽ được áp dụng để bảo đảm cho Vịnh Guinea và Vịnh Aden. Mozambique và Namibia đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Indonesia về Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Nigeria đã ký với Indonesia MoU về hợp tác chống buôn bán, sản xuất ma túy.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, sự tiến bộ của châu Phi là một lời nhắc nhở về cam kết tăng trưởng mang tính chuyển đổi. Tăng trưởng mạnh mẽ của châu Phi và những hiệu ứng dây chuyền tích cực sẽ giúp tăng vị thế của lục địa này như cường quốc thế giới.
Trần Hiệp
Châu Phi vươn lên trong gian khó
Châu Phi vươn lên trong gian khó

Dù phải đối phó với hàng loạt thách thức như xung đột triền miên, dịch bệnh Ebola, giá dầu mỏ giảm, năm 2014 vẫn là một năm thành công về kinh tế đối với các nước châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN