Theo kênh CNN, điều đó cho thấy những bất cập nghiêm trọng tại nơi Saudi Arabia đặt các hệ thống phòng không và cảnh báo sớm cũng như điểm yếu của các hệ thống này. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy một vấn đề lớn hơn: kỷ nguyên chiến tranh bằng máy bay không người lái là một thách thức lớn với các chính phủ toàn thế giới.
Các hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia
Tên lửa hành trình được dùng trong các vụ tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia cuối tuần qua chỉ là phiên bản dựa trên một thiết kế cũ của Nga từ những năm 1970. Còn các máy bay không người lái dù có tinh vi hơn nhưng vẫn là thiết bị của “con nhà nghèo” trong chiến tranh. Nói cách khác, 5% nguồn cung dầu toàn cầu đã bị gián đoạn bởi các vũ khí trị giá chưa tới triệu đô la.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Saudi Arabia không phát hiện ra vụ phóng các vật thể trên và cũng không thể ngăn chặn được. Một lý do là phần lớn cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa đều hướng về phía Yemen – nơi lực lượng Houthi thường phóng tên lửa và máy bay không người lái trong hai năm qua.
Sau các vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh áp các biện pháp trừng phạt mới với Iran. Dù Tổng thống Trump không nói khẳng định Iran đứng đằng sau vụ tấn công nhưng những người khác trong chính quyền đã đổ lỗi ngay cho Tehran. Iran đã bác bỏ trách nhiệm trong vụ tấn công ngày 14/9.
Theo một nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra về vụ tấn công do Mỹ và Saudi Arabia thực hiện, tên lửa hành trình bay rất thấp để tránh bị phát hiện và tránh đi qua Vịnh Perian – nơi hệ thống radar của Mỹ và Saudi Arabia mạnh nhất.
Saudi Arabia hiện có 6 tiểu đoàn gồm các khẩu đội phụ trách hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Hệ thống này được thiết kế để loại bỏ những quả tên lửa đang bay tới. Ông Jeremy Binnie, tổng biên tập tạp chí tuần Jane’s Defense ở Trung Đông, nói rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy Saudi Arabia đã chuyển các hệ thống Patriot trở lại để bảo vệ khu vực, với một hệ thống hướng về phía Iran, một hệ thống hướng về phía Yemen.
Gần đây, một hệ thống nữa được triển khai ngay ở phía đông Abqaiq nhưng hướng về Yemen. Tên lửa hành trình tiếp cận từ phía bắc sẽ nhanh chóng bị radar hệ thống phát hiện.
Saudi Arabia đã thông báo kế hoạch hồi tháng 10/2017 về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, có tầm xa hơn Patriot. S-400 chủ yếu được thiết kế để đối phó với tên lửa đạn đạo nhưng có thể kết hợp với hệ thống nhỏ hơn như Pantsir S1 cũng do Nga sản xuất để đối phó với tên lửa hành trình tầm ngắn và máy bay không người lái.
Saudi Arabia còn có Skyguard - một hệ thống mua từ Đức để đối phó với các cuộc tấn công tầm ngắn. Đây là các xe tải radar gắn với súng phòng không nhưng hệ thống này cần phải gần mục tiêu bảo vệ. Ít nhất có một đơn vị Skyguard được bố trí tại Abqaiq.
Ông Michael Duitsman tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin ở Monterey, California cho biết radar sẽ phải tìm cách phân biệt các vật thể phóng với các vật thế khác trên mặt đất. Thời gian cảnh báo là tối thiểu. Các máy bay không người lái sẽ có thể xuất hiện trên radar của Skyguard chỉ hai phút hoặc ít hơn trước khi gây hậu quả.
Theo ông Duitsman, rắc rối là hệ thống phòng không ở Abqaiq được thiết kế để ngăn vụ tấn công từ máy bay có người lái. Ông nói: “Tầm mà đa số hệ thống radar có thể phát hiện một tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái nhỏ thấp hơn nhiều so với tầm mà họ có thể phát hiện máy bay cỡ lớn”.
Ông Justin Bronk, thành viên nghiên cứu Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh ở London, cho biết Skyguard có tầm rất hạn chế, nên một khẩu đội có thể bảo vệ một diện tích không lớn và có thể bị “ngợp” khi đối mặt nhiều mối đe dọa cùng ập tới từ nhiều hướng.
Một viễn cảnh ác mộng với Saudi Arabia và những nước khác là khi một “bầy” vật thể phóng như vậy bay từ tứ phía, làm nhiễu radar và khiến hệ thống phòng không quá tải. Cuộc tấn công như vậy có thể tốn rất ít tiền.
Với phía tấn công, họ muốn dùng ít tiền nhất để gây thiệt hại nhiều nhất. Saudi Arabia sẽ phải chi rất nhiều tiền hơn kẻ thù để bảo vệ mình trong khi lại gần như không có cách nào có thể tránh được hoàn toàn các cuộc tấn công như vậy. Do đó, ít nhất sẽ có một số cơ sở hạ tầng quan trọng với nguồn cung dầu toàn cầu dễ bị tổn thương.
Kỷ nguyên máy bay không người lái
Kỷ nguyên chiến tranh bằng máy bay không người lái đã gây ra rất nhiều rủi ro. Máy bay không người lái tương đối rẻ, có thể mang chất nổ, tầm và độ chính xác ngày càng gia tăng.
Máy bay không người lái được khủng bố và các nhóm phiến quân sử dụng nhiều. Khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã phóng hàng chục máy bay không người lái để đối phó với lực lượng Iraq trong trận chiến ở Mosul năm 2016.
Tháng 1/2018, Nga tuyên bố phe đối lập Syria đã phóng 13 máy bay không người lái vào các căn cứ của Nga ở Syria. Mỗi thiết bị mang theo 10 quả bom nhỏ chứa nửa cân thuốc nổ. Nga cho biết các hệ thống điện tử và hệ thống Pantsir đã ngăn chặn được cuộc tấn công.
Quân đội Mỹ đã tăng cường triển khai hệ thống tên lửa đất đối không Stinger cùng với lực lượng trên bộ để đối phó với máy bay không người lái. Trong những năm gần đây, Mỹ cũng tập trận “Black Dart” để chống mối đe dọa từ máy bay không người lái.
Các chuyên gia hy vọng rằng cú sốc sau vụ tấn công vừa rồi sẽ khiến Saudi Arabia quan tâm hơn tới thị trường các thiết bị đối phó với máy bay không người lái. Trước đây, Saudi Arabia chỉ quan tâm tới phòng thủ tên lửa đạn đạo và giờ họ cần phải tìm cách bảo vệ trước cả tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Điều lạ lùng nhưng đang xảy ra trong chiến tranh hiện đại là những thứ rất nhỏ và thấp lại gây ra mối đe dọa lớn hơn so với vũ khí tinh vi.