Chiến lược của Syria và sự kiệt sức, tan rã của phiến quân

Khi cuộc nội chiến tại Syria bước sang năm thứ 4, có một điều hiện ra rõ ràng: Phiến quân do Mỹ hậu thuẫn đang thua trận. Quân đội của Tổng thống Assad, trước đây được cho là không được trang bị đầy đủ, thiếu sự chuẩn bị để chiến đấu chống lại kiểu chiến tranh du kích, giờ đang giành chiến thắng liên tiếp trên chiến trường.

Cho đến giờ phút này, ông Assad được xem là nhà lãnh đạo ở Trung Đông duy nhất có thể duy trì quyền lực của mình sau khi bị đe dọa từ cái gọi là Mùa xuân Arập, điều khiến cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các đồng minh hết sức khó chịu.

Ông Assad đã duy trì được quyền lực phần lớn nhờ tình trạng hỗn loạn trong hàng ngũ phiến quân, trong đó có sự gia tăng của các chiến binh Hồi giáo đối nghịch lực lượng Hồi giáo truyền thống khoan dung của Syria, sự ủng hộ mạnh mẽ từ Moskva và Tehran và một quân đội Syria đang hồi sinh với sự hỗ trợ bởi lực lượng dân quân địa phương và các chiến binh Hezbollah từ Lebanon.

Quân đội Syria chuẩn bị chiến dịch truy quét phiến quân tại khu vực ngoại ô Damascus. Ảnh: Farsnews


Ông Assad cũng đã giành được sự ủng hộ của một số người dân và lực lượng nổi dậy vốn có cảm giác mệt mỏi đối với cuộc nội chiến đã quay nòng súng chống lại các phiến quân.

 

Nếu không có một sự bất ngờ, chẳng hạn như sự can thiệp quân sự trực tiếp từ nước ngoài, phe đối lập sẽ không thể thay đổi tình thế hiện nay.

Mùa hè năm ngoái, các máy bay chiến đấu của Mỹ dường như đã sẵn sàng để tấn công Damascus, nhưng cuộc không kích đã được ngăn chặn vào phút chót sau khi Nga đưa ra lời đề nghị và Tổng thống Assad đồng ý giải giáp kho vũ khí hóa học của mình. Bây giờ ông Assad đủ tự tin rằng ông sẽ tiếp tục tranh cử và chiến thắng nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 của mình vào mùa hè này.

Trong khi đó, tại một số khu vực, đặc biệt là ở phía bắc và phía đông của Syria, lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn đang chiến đấu ác liệt với các nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda, hoặc có liên quan đến dòng Hồi giáo cực đoan khác.

Thực sự, Syria đã trở thành một đấu trường địa chính trị quốc tế với sự tham gia của các bên như: Iran, Nga và chiến binh Hezbollah của người Shiite; bên kia là Mỹ, Israel, Saudi Arabia và các phiến quân dòng Hồi giáo Sunni từ khắp nơi trên thế giới, mỗi bên theo đuổi lợi ích chiến lược của mình. "Syria đã trở thành một sân chơi cho các cuộc xung đột quốc tế và tư tưởng Hồi giáo cực đoan", Jamil Salou, một nhà hoạt động có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Chiến lược của Chính phủ đã tập trung vào việc bảo vệ Damascus và hành lang chính phía bắc đến Homs và phía tây bờ biển Địa Trung Hải, một thành trì ủng hộ ông Assad. Các tuyến đường vốn rất nguy hiểm khi cơ động đã trở nên an toàn hơn trong những tháng gần đây, một dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận này có hiệu quả.

Sự mở rộng các trạm kiểm soát tại Damascus đã giảm đáng kể các vụ đánh bom xe. Quân đội không cần phải cơ động qua những khu vực nguy hiểm bằng xe bus và các cuộc phục kích bất thành của lực lượng đối lập gần đây cũng cho thấy các hoạt động tình báo của chính phủ Syria đã được cải thiện.

Phiến quân Syria đang rút chạy trong cuộc tấn công của quân chính phủ gần biên giới với Liban. Ảnh: Farsnews


Trong khi đó, phe đối lập, lực lượng vẫn tuyên bố rằng chiến thắng là trong tầm tay, đã không có hành động đáp trả nào đối với các cuộc không kích của quân chính phủ, đặc biệt là các cuộc tấn công vào khu vực trú ẩn của phiến quân ở phía bắc Aleppo. Một sĩ quan quân đội Syria nói rằng chiến thuật tấn công bằng pháo kích nặng trước, sau đó đưa bộ binh vào, là một chiến lược quân sự lâu đời. "Chúng tôi tấn công làm tiêu hao lực lực đối lập trước, sau đó cho bộ binh vào truy quét, Đại tá Samir, chỉ huy trưởng lực lượng quân chính phủ tai Homs nói.

Lực lượng đối lập Syria được sự hậu thuẫn của Mỹ coi như đã sụp đổ, trong khi ở một số khu vực trọng điểm lại thiếu sự gắn kết và không có một sự chỉ huy thống nhất cũng như không được trang bị vũ khí hạng nặng để chống lại các cuộc tấn công từ trên không. Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng nếu cung cấp vũ khí hạng nặng cho lực lượng đối lập, vì rất có thể lực lượng này sẽ sử dụng chúng để tấn công các máy bay dân sự.

Trong tháng 3/2013, quân đội Syria với sự hỗ trợ của các chiến binh Hezbollah, đã tấn công vào thị trấn miền núi phía tây Yabroud, gần biên giới Liban, xóa sổ một căn cứ và trung tâm hậu cần của lực lượng nổi dậy. Quân đội Syria tiếp tục chiến dịch truy quét và cắt đứt tuyến đường cung ứng quan trọng của phiến quân từ Liban.

Ở ngoại ô Damascus, lực lượng chính phủ đã tái chiếm lại một loạt huyện quan trọng và quét sạch quân nổi dậy ra khỏi ngoại ô thủ đô của Syria. Theo nguồn tin từ chính phủ Syria, hàng ngàn cựu phiến quân đã tham gia quân đội nước này. Trong khi tại tỉnh miền tây Homs, nơi từng là trung tâm của cuộc nổi dậy chống chính phủ, phe đối lập đang phải chạy trốn.

Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 4 khiến hơn 130.000 thiệt mạng và hàng triệu người phải đi tị nạn tại các nước láng giềng. Một ngày nào đó, cuộc chiến tại Syria có thể sẽ chấm dứt, các thành phố, thị xã bị tàn phá sẽ được xây dựng lại, nhưng việc khôi phục và hàn gắn niềm tin giữa các nhóm tôn giáo và dân tộc của Syria là vấn đề khác. Nó có thể đòi hỏi nhiều thế hệ.


Vũ Thanh(Los Angeles Times)
Mỹ giải thích về quyết định không tấn công Syria
Mỹ giải thích về quyết định không tấn công Syria

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giải thích về quyết định của chính quyền Washington không sử dụng biện pháp quân sự tại Syria, nói rằng quân đội Mỹ có những hạn chế sau các cuộc chiến kéo dài ở Iraq và Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN