Nhằm tạo sự đối trọng với Bắc Kinh, Tokyo đang có kế hoạch tăng cường quan hệ với các quốc gia như Bangladesh và Sri Lanka.Đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm 3 ngày đến Bangladesh và Sri Lanka, bổ sung vào danh sách những chuyến công du của mình kể từ khi quay lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Chuyến đi diễn ra sau chuyến thăm quan trọng của Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhật Bản, nhằm thúc đẩy mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa Tokyo và New Delhi.
Thêm vào đó, cũng giống như nhiều chuyến công du khác của ông Abe trong vài tháng qua, chuyến thăm lần này có mối liên hệ rất chặt chẽ với chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nam Á gần đây.
Thủ tướng Nhật Bản Abe trong chuyến công du tới Bangladesh. |
Với Bangladesh, một quốc gia có truyền thống bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc, ông Abe đã tạo được chiến thắng quan trọng khi có được sự ủng hộ của Dhaka trong nỗ lực tranh cử của Nhật Bản cho một chiếc ghế thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là một sự nhượng bộ quan trọng khi mà trước đó Bangladesh đã thể hiện mong muốn tranh cử cho một ghế trong Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên trong hội nghị thượng đỉnh song phương ở Dhaka, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ bỏ kế hoạch này, và dành sự ủng hộ cho tranh cử của Nhật Bản. Chuyến thăm của ông Abe nhằm đáp lễ chuyến thăm Nhật Bản ba ngày của bà Hasina mùa xuân vừa qua, thông qua đó cả hai bên đã nhất trí để nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Từ trước đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA rất hào phóng cho Bangladesh. Hơn nữa, các công ty Nhật Bản đã nhìn nhận Bangladesh, với dân số đông và tăng trưởng GDP ngày càng cao, như một điểm đến kinh doanh mới thay cho Trung Quốc, với lượng nhân công lớn, giá rẻ. Nhưng những gì Bangladesh còn thiếu để giữ cho nền kinh tế phát triển bền vững là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, bất ổn chính trị kéo dài cùng với sự trì trệ của bộ máy hành chính và tham nhũng đã làm xấu đi hình ảnh của Bangladesh như một điểm đến kinh doanh quốc tế thân thiện. Tồi tệ hơn, làn sóng bạo lực bùng phát bởi sự bất ổn từ một cuộc bầu cử đã kéo dài cuộc khủng hoảng của nước này, khiến cho các ngành công nghiệp, bao gồm công nghiệp may mặc sẵn- đứng thứ hai thế giới – bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, việc tái tranh cử gây tranh cãi của Thủ tướng Sheikh Hasina đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.
Trong bối cảnh bất ổn của Bangladesh, tuyên bố của ông Abe về một loạt các khoản đầu tư của Nhật Bản như là một “chiếc phao cứu sinh” đối với Dhaka. Hơn nữa, Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bangladesh kể từ cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 1 năm nay. Chuyến thăm của ông Abe thiên về mặt định hướng đầu tư mang tính quyết định, khi tháp tùng ông là một loạt giám đốc điều hành doanh nghiệp cao cấp của Nhật Bản.
Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Nam Á. |
Chuyến đi cũng diễn ra sau cuộc đối thoại hợp tác kinh tế khu vực tư nhân giữa Nhật Bản và Bangladesh vào tháng trước ở Dhaka. Một trong những kết quả quan trọng từ cuộc đối thoại này và hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo là hình ảnh một sự lạc quan nhưng thận trọng của Tokyo, vốn chỉ quan tâm đến việc nâng mức đầu tư.
Tuy nhiên, ông Abe nhấn mạnh rằng Bangladesh vẫn có nhiều vấn đề quan trọng cần ưu tiên giải quyết trong các lĩnh vực như cơ quan quản lý đầu tư và cơ sở hạ tầng năng lượng cho ngành công nghiệp.
Rõ ràng, Nhật Bản đang xây dựng kế hoạch để tăng cường ảnh hưởng chiến lược của mình ở Nam Á. Sáng kiến về "Vành đai tăng trưởng công nghiệp Vịnh Bengal ", còn được gọi là Big-B, tạo ra một trung tâm chiến lược tại khu vực của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố sẽ hợp nhất Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tại Vịnh Bengal bằng cách phát huy vị trí địa chiến lược giàu tiềm năng của Bangladesh.
Là một phần của chương trình này, ông Abe đã nhắc lại cam kết của mình về việc cung cấp 5.9 tỷ đô la trong khoảng 4-5 năm tới để giúp Bangladesh xây dựng một cảng biển nước sâu và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Thỏa thuận của Nhật Bản trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất của Bangladesh tại Maheshkhali là một trong những dự án quan trọng nhất.
Nhưng thế chủ động không phải hoàn toàn nhờ vào lĩnh vực thương mại của Nhật Bản. Dhaka cũng đang mong muốn xây dựng mối quan hệ với Tokyo, một phần để loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Ví dụ, Bangladesh mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản giúp họ xây dựng các Đặc khu kinh tế (SEZ) và Nhật Bản được sử dụng độc quyền. Để đáp lại, Thủ tướng Abe đã giới thiệu một đoàn đại biểu đại diện các doanh nghiệp, bao gồm cả giám đốc điều hành của các hãng sản xuất máy móc thiết bị hạng nặng IHI và Mitsubishi Heavy Industries, cũng như tập đoàn xây dựng khổng lồ Shimizu đến Dhaka. Như ông Abe đã phát biểu trong chuyến công du của mình: "Tôi tin tưởng vào việc mở rộng quan hệ hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản bằng việc đầu tư vào Bangladesh".
Sau chuyến đi đến Bangladesh, ông Abe cũng đã thực hiện một chuyến thăm ngắn ngày tới Sri Lanka. Quan hệ giữa Colombo và Tokyo cũng đã có bước phát triển trong năm qua và chuyến thăm của ông Abe nhằm đáp lễ chuyến thăm của Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa năm ngoái. Ngoài các ưu đãi tài chính nhằm phát triển các dự án ở Sri Lanka, Nhật Bản cũng đã triển khai một số hoạt động nhằm duy trì vai trò của mình. Vào tháng 3/2014, Nhật Bản bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về việc tổ chức điều tra các tội ác trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka. Không chỉ vậy, Tokyo hiện đang xem xét khả năng cung cấp cho quốc đảo này các tàu tuần tra trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh hàng hải của họ.
Thủ tướng Abe (trái) trong chuyến thăm Sri Lanka. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe và Tổng thống Rajapaksa cũng nhất trí tiến hành một cuộc đối thoại các vấn đề về an ninh hàng hải, cũng như sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng hải quân Sri Lanka và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Một phần của việc hợp tác an ninh này cũng sẽ tập trung vào các vấn đề phi truyền thống, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Về mặt này, hai bên sẽ tăng cường phối hợp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cũng như trao đổi thông tin giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia.
Tất nhiên, những căng thẳng gần đây tại khu vực – đặc biệt là một số hoạt động của CHDCND Triều Tiên và sự gia tăng các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển - cũng là các vấn đề quan tâm chính trong chuyến thăm của ông Abe. Tại cả 2 điểm dừng chân, ông Abe đã giải thích chính sách an ninh của ông về "hòa bình chủ động". Ngoài ra, nhằm tạo sự đối trọng với Bắc Kinh, ông Abe cần đảm bảo sự đồng thuận từ cả Dhaka và Colombo về sự toàn vẹn của luật về hàng hải và hàng không quốc tế, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Mặc dù có những bước phát triển tích cực, nhưng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Nam Á, ngoài Ấn Độ, vẫn còn rất hạn chế. Cả Sri Lanka và Bangladesh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp việc Nhật Bản đã hỗ trợ đáng kể cho cả hai nước. Trung Quốc đã xây dựng các cảng biển, trong đó có một cảng nằm trong vùng nước sâu ở Sri Lanka, và đã hoàn tất thỏa thuận cung cấp tàu ngầm cho Hải quân Bangladesh.
Ở những nơi khác trong khu vực, Trung Quốc đã tài trợ cho một cảng biển nước sâu lớn ở Pakistan, cũng như một cảng cạn ở Nepal. Tương lai của mối quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản với Ấn Độ trong thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng nhất để định hướng các mối quan hệ giữa Tokyo với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ với riêng Ấn Độ thì không thể hoàn thiện chiến lược Nam Á của Nhật Bản, và vì vậy Nhật Bản có thể sẽ phải tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng của Delhi.
Công Thuận (N.I)