Nhật Bản nỗ lực thúc đẩy 'bình đẳng giới

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa bổ nhiệm năm nữ thành viên mới vào Nội các bao gồm 18 thành viên, để nắm giữ vị trí bộ trưởng các Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp; Tư pháp; Nội vụ; Bộ các vấn đề bắt cóc, công an và ngăn ngừa thảm họa; và Bộ phụ trách về sinh đẻ.

Đây được coi là một bước tiến quan trọng của kế hoạch tăng cường sử dụng lao động nữ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Abe.

Phụ nữ hiện chỉ chiếm 11% các vị trí cấp cao của Nhật Bản.


Tokyo mong muốn đến năm 2020, phụ nữ sẽ chiếm 30% các vị trí cấp cao của Nhật Bản, từ con số 11% - một trong những mức thấp nhất thế giới hiện nay - trong bối cảnh lực lượng dân số già hóa đang gây áp lực nặng nề lên ngân sách quốc gia của nước này.

Để hưởng ứng kế hoạch trên, các doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản như Toyota, Panasonic và All Nippon Airways cũng vừa công bố mục tiêu tăng số lao động nữ nắm giữ các vị trí điều hành quan trọng trong bộ máy của họ.

Kế hoạch trên của ông Abe, nhằm mục đích kêu gọi Nhật Bản tận dụng tốt hơn lao động nữ có học vấn cao nhưng thất nghiệp, được cho là “một thách thức lớn”. Nguyên nhân là quan niệm phân biệt giới tính từ lâu đời tại Nhật Bản, khiến nam giới luôn chiếm ưu thế trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Giờ làm việc dài và không đủ điều kiện chăm sóc con cái cũng là một trong những lý do nhiều phụ nữ Nhật Bản lựa chọn ở nhà hoặc từ bỏ hy vọng thăng tiến sau khi sinh con.

Bà Chie Kobayashi, 46 tuổi, người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên được làm việc tại nước ngoài sau khi đã sinh con, và hiện là Giám đốc phòng Phát triển đa dạng của Nissan tại Tokyo, cho biết: “Tôi đã mong muốn được làm việc ở nước ngoài từ khi còn trẻ, nhưng thời đó, cơ hội làm việc và học tập tại nước ngoài thường được dành cho nam giới hơn là nữ giới”.

Vị Giám đốc cho biết thêm: Kể từ khi kết hợp với Renault, nhân sự của Nissan trở nên đa dạng hơn so với các công ty Nhật Bản khác. Bà nhận định: “Điều quan trọng là chính phủ tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho cả hai giới, chứ không phải là cố gắng đạt mục tiêu bằng mọi giá, vì điều này có thể gây tác dụng ngược khi các doanh nghiệp, để đạt mục tiêu này, áp dụng chế độ đánh giá lao động một cách khoan dung đối với phụ nữ, thay vì dựa trên năng lực thực sự của họ”.

Một nhà xã hội học người Pháp cho rằng sự thay đổi chỉ thật sự có ý nghĩa khi ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản muốn tham gia lao động, và họ được lao động trong một môi trường thân thiện.

Một vài doanh nghiệp của Nhật Bản đang tiến hành cải cách để tạo ra một môi trường làm việc với giờ giấc linh hoạt hơn. Hãng Toyota thậm chí còn lên kế hoạch thành lập một quỹ khuyến khích sinh viên nữ tham gia những lĩnh vực dành cho nam giới, chẳng hạn như ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, ông Carlos Ghosn, Tổng Giám đốc Nissan, cho rằng mục tiêu của Thủ tướng Abe là quá tham vọng, qua đó kêu gọi một cách tiếp cận từ tốn hơn: “Chúng ta cần tiến hành từng bước một để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động”.

Bà Kimie Iwata, 67 tuổi, Giám đốc của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và là cựu quan chức cấp cao trong Bộ Lao động, tỏ ra lạc quan về việc các doanh nghiệp Nhật Bản chủ động tăng cường sử dụng lao động nữ, nhưng cũng bày tỏ quan điểm rằng động thái này xuất phát từ những lo sợ về một nền kinh tế ảm đạm gây ảnh hưởng tiêu cực lên doanh nghiệp.


Phương Nga
Tỷ lệ trẻ em ở Nhật Bản giảm kỷ lục
Tỷ lệ trẻ em ở Nhật Bản giảm kỷ lục

Tính đến ngày 1/4/2014, số trẻ em dưới 14 tuổi của Nhật Bản đã giảm xuống mức kỷ lục là 16,33 triệu trẻ, thấp hơn 160.000 trẻ so với năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN