Xe tăng Azerbaijan tham gia giao tranh ở Nagorny-Karabakh. |
Sau 22 năm tạm lắng dịu, mặc dù chưa thể ký Hiệp định hòa bình, thì những ngày cuối tuần qua, điểm nóng Nagorny-Karabakh, vùng đất tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia, bỗng bùng phát chiến sự dữ dội, đe dọa biến vùng đất này, trở thành một Syria thứ hai.
Lúc này, trong khi báo chí Azerbaijan và Armenia còn đang cáo buộc lẫn nhau về kẻ nổ súng gây chiến trước và đưa ra những con số thương vong đầy mâu thuẫn, thì dư luận quốc tế lại quan tâm những khía cạnh khác - rằng có hay không "thế lực thứ ba" đứng đằng sau sự kiện này và cố tình đẩy căng thẳng khu vực leo thang? Hãng tin TASS dẫn lời Phó Chủ tịch Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Zheleznyak cho rằng "cả Azerbaijan và Armenia đều không muốn leo thang căng thẳng vào thời điểm hiện nay" và cho rằng "rất có khả năng cuộc xung đột này là do một thế lực thứ ba gây ra". Vị quan chức Nga này phán đoán "một thế lực nào đó đang cố tình thổi bùng ngọn lửa chiến tranh tại Trung Đông, Trung Á và Caucasus, bởi họ không hài lòng trước những thành quả của nỗ lực gìn giữ hòa bình và chống khủng bố thành công của Nga".
Bên cạnh luồng thông tin này, cũng xuất hiện những thông tin trái chiều hướng sự quan tâm tới câu hỏi: Liệu nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin có được lợi gì từ cuộc xung đột? Và cho dù khi chiến sự nổ ra, chính Tổng thống Nga Putin đã là người đầu tiên lên tiếng kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, thì cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili vẫn cáo buộc Điện Kremlin đã thổi bùng cuộc xung đột đẫm máu ở Nagorny-Karabakh. Ông Saakashvili cho rằng Tổng thống Putin đã nhiều năm "trang bị vũ khí đến tận răng" cho cả hai bên xung đột, và chính ông đã "chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này", nhằm các mục tiêu chiến lược quốc gia của Nga.
Những ngôi nhà bị pháo kích tại điểm nóng Nagorny-Karabakh. |
Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi nếu thực sự là người gây chiến, thì tại sao Azerbaijan lại đòi chiếm lại Nagorny-Karabakh vào thời điểm này, sau tận 22 năm chịu để mảnh đất đó nằm trong tay người Armenia? Hay cuộc giao tranh này chỉ là một “mặt trận mới” trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ - vốn chống lưng cho Azerbaijan và Nga - người bảo trợ của Armenia?
Có thể thấy, giới quan sát cũng nghiêng về giả thiết cho rằng, giao tranh tại vùng đất Nagorny-Karabakh liên quan trực tiếp đến hiềm khích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, vốn trở nên xấu đi kể từ sau khi Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của Nga hồi cuối tháng 11 năm ngoái.
Một câu hỏi khác được đặt ra để lý giải về cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh là liệu có phải Thổ Nhĩ Kỳ kích động Azerbaijan khiêu khích Armenia để "chọc gậy bánh xe" Tổng thống Putin, đúng lúc chủ nhân điện Kremlin đang thuận buồm xuôi gió trên trường quốc tế, sau khi đã hóa giải thế cờ bí ở Syria, và ủng hộ được đồng minh Bashar al-Assad? Hay câu chuyện chỉ mang ý nghĩa chính trị thuần túy, bắt nguồn từ phía Tổng thống Aliyev, muốn tạo sự chú ý khi Azerbaijan đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, xã hội do giá dầu giảm đến 70%?
Sẽ là quá sớm để có thể trả lời các câu hỏi trên. Chỉ có điều chắc chắn là khi các cường quốc thế giới phải lên tiếng vì một cuộc xung đột mang tính khu vực, thì điều này khiến dư luận yêu chuộng hòa bình không khỏi lo ngại cuộc giao tranh tại vùng đất chưa đầy 12.000 km2 này có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên.