Chiến thuật ‘tằm ăn dâu’ và động thái tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc nhận thấy Biển Đông là yếu tố quan trọng để củng cố ảnh hưởng và tham vọng trong khu vực. Nhưng phản ứng “chây lỳ” và chậm chạp của nước này đối với cuộc khủng hoảng giàn khoan cho thấy những hạn chế trong vấn đề quyền lực mềm của họ ở châu Á.

Lý do tự quốc tế hóa vấn đề


Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Kể từ đó, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan 3 lần. Theo ông Teshu Singh, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa Bình và Xung đột (Ấn Độ), việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam là một hành động có tính toán. Bằng chứng là Trung Quốc đã thông qua một chiến thuật gọi là "lát cắt xúc xích", hay còn gọi là chiến thuật "tằm ăn dâu" hoặc "bóc cải bắp".

Tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.


Đây là cách tiếp cận từng bước một và ngày càng lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Trung Quốc đã đánh chiếm bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (do Philippines kiểm soát); thiết lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm; cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam; chiếm đóng bất hợp pháp bãi Cỏ Mây ở Trường Sa của Việt Nam và hiện đang cải tạo đất nhằm xây dựng đường băng và cảng biển trên bãi Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việc triển khai giàn khoan được cho là động thái tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực.

Sau khi hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc đã đăng một bài viết nhan đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 - Sự khiêu khích của Việt Nam và quan điểm của Trung Quốc”. Tiếp theo, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Minh (Wang Min) gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon “bức thư trình bày quan điểm” của Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 và yêu cầu Tổng Thư ký Ban Ki-moon phải công bố bức thư này tới 193 quốc gia thành viên LHQ. Nội dung của bài viết đăng trên website của Bộ Ngoại giao và “bức thư trình bày quan điểm” của Trung Quốc về cơ bản là giống nhau, vẫn một luận điệu vu khống, bịa đặt trắng trợn, tố cáo Việt Nam.

Trước đó, tại Đối thoại Shangri La diễn ra ở Singapore, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã khăng khăng rằng các vấn đề tranh chấp chủ quyền nên giải quyết song phương giữa các bên liên quan và Mỹ nên đứng ngoài các tranh chấp trong khu vực. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn bảo vệ giải pháp giải quyết tranh chấp song phương của mình và phản đối bất kỳ sự phân xử nào của trọng tài quốc tế. Bằng việc ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao và gửi “bức thư trình bày quan điểm” về giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đang tự mình quốc tế hóa vấn đề.

Những sự kiện này đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông và làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu là tại sao Trung Quốc ra “bức thư trình bày quan điểm” này và mục đích cuối cùng của họ trong khu vực là gì?

Giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt giữa khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974. Giàn khoan trên đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng Trung Quốc nói rằng nó đang hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của họ.

Ông Teshu Singh cho rằng có hai nguyên nhân để Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, đó là vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc và những mối lo ngại chiến lược trong khu vực. Từ năm 1993, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng nhiên liệu từ nước ngoài. Để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, Trung Quốc đang tìm cách thăm dò ở nhiều nơi và Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt. Về chiến lược, Bắc Kinh cho rằng vai trò của các cường quốc thế giới đang ngày càng tăng trong khu vực.

Ngoài việc muốn tăng sự ảnh hưởng trong khu vực, Trung Quốc còn có tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới hành động hạ đặt giàn khoan là sự phản ứng của Bắc Kinh với môi trường chiến lược đang thay đổi tại Biển Đông. Trung Quốc nhận thấy Biển Đông là yếu tố quan trọng để củng cố ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á, cũng như những tham vọng trong khu vực của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn đóng một vai trò quan trọng trong khu vực với việc giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và do đó đã quay sang giải pháp đa phương để xử lý tranh chấp.

Có lẽ Trung Quốc đã nhận thấy nếu tiếp tục coi thường luật pháp quốc tế và LHQ thì họ sẽ tạo thêm khoảng trống cho Mỹ can thiệp vào khu vực. Có một lý do khác khiến Trung Quốc gửi “bức thư trình bày quan điểm” lên Tổng thư ký LHQ là nhằm chặn cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thế lưỡng nan giữa quyền lực mềm và “tằm ăn dâu”


Tuy nhiên, chuyên gia Shannon Tiezzi bình luận trên trang mạng Diplomat của Nhật rằng văn bản trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc biểu thị mưu đồ trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Qua các hành động, từ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái tới việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm kỳ lạ ở cả hai phương diện quyết đoán và phản ứng: họ khởi đầu các sự kiện, nhưng ngay sau đó mất kiểm soát, đặt các quan chức Trung Quốc vào trong tình trạng phòng thủ khi phải đối mặt với những chỉ trích từ bên ngoài.

Có hai cách giải thích cho tình huống này. Thứ nhất Bắc Kinh đã chủ định trong những hành động của mình, Trung Quốc đang khiêu khích thế giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa yêu sách lãnh thổ của mình bằng cách chứng minh sự bất lực của những nước khác trong khu vực trong việc phản ứng với tình huống mà nước này tạo ra. Điều này được biết đến dưới cái tên “chiến lược tằm ăn dâu”.

Tàu Lý Thái Tổ của hải quân Việt Nam tuần tra bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Một cách giải thích khác đó là chính phủ Trung Quốc không mấy "hiểu biết". Điều này có nghĩa là Trung Quốc không có cảm giác tốt về vị trí của mình trong khu vực, và vì thế không thể dự đoán một cách chính xác khi nào những hành động của mình sẽ gây nên những phản đối mạnh mẽ.

Xu hướng của Trung Quốc trong thời gian qua là xoa dịu những quan ngại về sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong các nước láng giềng. Trong tháng 5, một nhóm quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đưa ra những chứng cứ cho lý thuyết này, thông qua công luận để cho rằng Trung Quốc đã không tham gia vào những phản ứng mạnh mẽ như vậy đối với việc bố trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Trong trường hợp này, Trung Quốc có thể dễ dàng hình dung ra phản ứng của Việt Nam, nhưng đã thẳng thừng phủ nhận. Bằng cách từ chối tham gia giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục củng cố cho hình ảnh là một kẻ "ăn hiếp" trong khu vực. Bắc Kinh đang đánh mất dần ưu thế trước những phản ứng của dư luận quốc tế.

Có thể Bắc Kinh đã quyết định chấp nhận hình ảnh tiêu cực này là một phụ phẩm của chiến lược "tằm ăn dâu”, nhưng việc công bố những văn bản của Bộ ngoại giao tự nó đã chứng minh rằng Trung Quốc khó mà xây dựng được hình ảnh cho đàng hoàng với tình hình hiện tại.

Trung Quốc nên tập trung vào đàm phán vì điều này tăng thêm sức mạnh mềm cho họ trong khu vực. Chỉ có rút ngay lập tức giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vô điều kiện và không lặp lại hành động này trong tương lai, mới giúp giảm bớt những chỉ trích của cộng đồng quốc tế và giới truyền thông phương Tây. Hòa bình trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ giúp xóa bỏ quan điểm cho rằng Trung Quốc là một nước gây mất ổn định trong khu vực.



Công Thuận
(Eurasia Review/Diplomat)
Các tàu hộ tống Trung Quốc co cụm thế gọng kìm
Các tàu hộ tống Trung Quốc co cụm thế gọng kìm

Hôm nay, phía Trung Quốc tăng cường co cụm số lượng lớn tàu thuyền tạo thành thế gọng kìm và chủ động ngăn cản các tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN