Giá dầu sẽ leo thang nếu xảy ra chiến tranh Saudi Arabia - Iran. Ảnh: AP |
Kênh RT Nga đã hỏi ý kiến giới chuyên gia về việc một cuộc chiến giữa hai cường quốc Trung Đông sẽ tác động thế nào đối với giá dầu thô.
“Giá năng lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào tính khốc liệt của xung đột. Theo đó, chúng ta có thể trông đợi giá dầu tăng lên 150 – 200 USD/thùng trong ngày đầu tiền nổ ra chiến tranh… Nếu Saudi Arabia và Iran tấn công vào các nhà máy dầu của nhau, giá dầu thô có thể leo thang đến 300 USD”, nhà phân tích Mikhail Mashchenko tại mạng xã hội eToro dành cho giới đầu tư nói với RT.
Hay như ông Ivan Karyakin, nhà phân tích đầu tư tại Global FX, nhấn mạnh khu vực có khả năng xảy ra xung đột này chiếm 1/3 lượng dầu trên toàn thế giới. Saudi Arabia, Iraq, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Oman và Qatar tổng cộng sản xuất khoảng 28 triệu thùng dầu/ngày, xấp xỉ 30% sản lượng khai thác toàn cầu. Vì lẽ đó, theo ông, giá dầu sẽ ngay tức khắc nhảy lên mốc 150 – 180 USD/thùng.
Ông Karyakin cho biết: “Tiếp đến mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tính lâu dài của cuộc xung đột. Thị trường thế giới sẽ sống sót qua hai hoặc ba ngày của chiến tranh. Nếu xung đột kéo dài một tuần thì giá cả sẽ tăng lên 200 USD hoặc hơn, và điều này sẽ gây ra các hậu quả dài hạn như dự trữ sụt giảm”.
Lực lượng an ninh Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, nhà phân tích này nhận định một cuộc chiến giữa Riyadh và Tehran sẽ không xảy ra và nó không nằm trong lợi ích của Nga và Trung Quốc. “Nga là một đối tác của nhiều nước đang xung đột ở Trung Đông. Nước nhập khẩu dầu lớn nhất - Trung Quốc – nguy cơ gánh rủi ro nặng nhất trong bối cảnh giá dầu tăng cao, sẽ sử dụng tất cả tầm ảnh hưởng của nước này lên Iran và Mỹ để ngăn chặn một cuộc xung đột”, ông giải thích.
Theo Ivan Kapustiansky, chuyên gia tại Forex Optimum, một cuộc chiến ở Trung Đông sẽ gây bất lợi đối với các nhà nhập khẩu dầu. “Trong hoàn cảnh chiến tranh, các thị trường có thể đánh mất 20% nguồn cung thế giới. Trước hết, tất nhiên, các nhà nhập khẩu lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng. Họ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như khu vực Eurozone, thực tế là các đầu tàu chính của nền kinh tế thế giới”, ông nói.
Cả Saudi Arabia và Iran đều hiểu rõ dầu thô quan trọng thế nào đối với nền kinh tế và sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, ngay cả khi nổ ra xung đột. Giá dầu và các loại hydrocarbon khác phi mã sẽ đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như dẫn đến lạm phát.
Theo ông Mashchenko, chiến tranh là điều bất lợi đối với cả Saudi Arabia lẫn Iran. “Saudi Arabia, dù họ cảm thấy tự tin hơn các hàng xóm phía đông, bị thâm hụt ngân sách tương đương 10% tổng sản lượng quốc nội (GDP). Còn Iran thì mới bắt đầu tăng cường xuất khẩu dầu sau khi được dỡ bỏ cấm vận”, ông nói với RT.
Đa số các chuyên gia cho rằng một vụ xung đột giữa Saudi Arabia và Iran sẽ bị giới hạn thành một cuộc chiến ủy nhiệm như điều đang diễn ra tại Yemen và Syria. Tình thế này có thể so sánh với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ.