Chỉ từ đầu năm 2016 đồng ruble Belarus đã mất giá 7%. Người dân, không chờ đồng nội tệ mất giá thêm nữa, đã vội vã vét hết những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để mua dollar và euro. Điều này buộc các ngân hàng nhỏ phải áp đặt hạn chế về việc rút tiền từ tài khoản ngoại tệ.
Bếp ăn dã chiến phục vụ dưới trời tuyết. Nguồn: Báo Độc lập (Nga) |
Tỉ giá đồng ruble Belarus so với đồng dollar cao hơn 8% so với mức mà Chính phủ đã cam kết trong năm 2016. Ngoài ra, chính phủ Belarus thông qua ngân sách hồi cuối năm ngoái dựa trên dự đoán giá dầu đứng ở mức 50USD/thùng, trong khi trên thực tế giá dầu hiện nay đã giảm xuống dưới 28USD/thùng. Điều đó càng khiến tâm lý hoảng loạn, hoang mang trong người dân tăng cao.
Báo Độc lập (Nga) ngày 19/1 cho rằng chỉ cần hai yếu tố kể trên (giá dầu sụt giảm và thời tiết không ủng hộ), đã là những trở ngại không nhỏ, thậm chí có thể khiến mọi kế hoạch của chính phủ Belarus trong năm 2016 trở nên phá sản. Tuy nhiên, lúc này giới chức Belarus chưa đưa ra bình luận gì về tình hình kinh tế đang trở nên phức tạp, cũng như chưa có kế hoạch đối phó mới nào với sự sụt giảm tỷ giá đồng nội tệ.
Chính sự im lặng của chính quyền đang tạo ra tâm lý hoang mang trong nhân dân. Vốn lo ngại thực tế tỷ lệ lạm phát cao và sự mất giá không thể kìm hãm, người dân Belarus dường như đã cảnh giác thái quá, khi cố gắng chuyển hết tiền tiết kiệm thành ngoại tệ mạnh, khiến cho nhu cầu đối với USD và euro tăng cao, càng làm trầm trọng hơn nữa sự mất giá của đồng nội tệ.
Một số ngân hàng nhỏ thậm chí áp đặt hạn chế rút ngoại tệ từ các thẻ giao dịch trên lãnh thổ Belarus, và thiết lập giới hạn khi rút tiền ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi một ngân hàng quyết định từ bỏ thực hiện bước đi này, thì các ngân hàng còn lại cũng đã buộc phải từ bỏ quyết định của mình.
Giới quan sát địa phương tin rằng Ngân hàng Trung ương Belarus cần phải "gỡ" lại tình hình, mới có thể ngăn chặn sự hoảng loạn đang gia tăng trong dân chúng. Các ngân hàng lớn ở Belarus thì khẳng định có đủ dự trữ ngoại hối và có thể điều chỉnh tình hình.
Tuy nhiên, những lời khẳng định nói trên có vẻ rất thiếu thuyết phục. Lượng vàng và ngoại tệ dự trữ của Belarus là rất nhỏ - chỉ vào khoảng 4,2 tỷ USD tính đến thời điểm đầu năm nay, và với quỹ dự trữ này, việc đáp ứng nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến có vẻ khá viển vông.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, áp lực lên tỷ giá hối đoái tạo ra từ tâm lý tích trữ ngoại tệ trong dân chúng ở thời điểm hiện nay không phải là quá lớn. Nhà kinh tế Belarus, ông Boris Zhelibo cho rằng: "Sự mất giá khiến tiền lương và lương hưu giảm sút không phải sẽ kéo dài tới vô hạn. Và hiện người dân Belarus đang mua dollar và euro bằng những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng, chính nghèo đói sẽ hạn chế nhu cầu ngoại tệ".
Trong khi đó, nhà chức trách hiện chỉ đang tập trung mọi nỗ lực đấu tranh không phải với cuộc khủng hoảng, mà là tình trạng tuyết rơi nhiều trong suốt tuần qua. Có thể thấy trang nhất báo chí Belarus "phủ" đầy tuyết trong tuần qua.
Chính điều này đã dẫn đến sự bất bình của người dân đối với những biện pháp không triệt để của chính quyền. Họ cho rằng chính quyền đang không nhìn thẳng vào gốc rễ vấn đề là nền kinh tế sa sút, đời sống người dân khó khăn..., còn việc chỉ thị dọn tuyết, hỗ trợ chủ nhân những chiếc xe đỗ ngoài trời bị đóng băng, không thể cậy băng tuyết hay khởi động..., chỉ là những vấn đề "râu ria", không thay đổi được thực trạng đang ngày càng tồi tệ hơn hiện nay.
Cái mà người dân Belarus đòi hỏi ở chính quyền phải là những biện pháp hữu hiệu, hứa hẹn cải thiện thực trạng nền kinh tế, và giảm bớt gánh nặng khó khăn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức, trước hết là tình trạng giá dầu liên tục phá đáy mới.