Những diễn biến trái ngược xảy ra chóng vánh trước thềm Hội nghị Geneva 2, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Dưới áp lực từ Mỹ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã rút lại lời mời Iran dự Hội nghị mà chính ông đưa ra trước đó chỉ 24 giờ, chấm dứt một ngày ngoại giao quốc tế “hỗn loạn” với việc Mỹ phản đối mạnh mẽ sự có mặt của Iran và phe đối lập Syria đe dọa tẩy chay hội nghị.
Cá nhân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tích cực vận động ông Ban Ki-moon hủy lời mời, trong khi các quan chức khác của Mỹ thì ám chỉ rằng Washington có thể rút lui nếu Iran có mặt tại Montreux, nơi Hội nghị Geneva 2 sẽ khai mạc trong ngày mai, 22/1, đồng nghĩa với nguy cơ đổ vỡ một sự kiện đã mất tới 8 tháng để dàn xếp.
Một khách sạn ở Montreux, Thụy Sĩ đã sẵn sàng cho hội nghị quan trọng về Syria. |
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” áp dụng đối với cả người tham dự Geneva 2 lẫn vấn đề mà hội nghị bàn tới đã phủ bóng lên ngay cả những hy vọng khiêm tốn nhất về kết quả của sự kiện này. Nó cũng cho thấy rằng, mặc dù Liên hợp quốc là người chủ trì chính thức của hội nghị, nhưng tiếng nói của tổ chức quốc tế này không phải khi nào cũng độc lập.
Sau thời gian dài trì hoãn, Hội nghị hòa bình cho Syria lúc này đang chuẩn bị khai mạc tại thị trấn Montreux, với sự tham gia của các ngoại trưởng đến từ hơn 30 quốc gia, sau đó sẽ tiếp diễn trong tuần tại Geneva với các cuộc đàm phán giữa các nhà thương lượng cho chính quyền Tổng thống Assad và đại diện phe đối lập. Đây sẽ là cuộc thương lượng trực tiếp đầu tiên giữa hai phía kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Nhưng xem ra Geneva 2 khó có thể đạt được bước tiến đáng kể nào nhằm kết thúc cuộc nội chiến Syria. Yêu cầu của các nước phương Tây và lực lượng nổi dậy yêu cầu ông Assad chấm dứt 4 thập kỷ cầm quyền giờ đây có vẻ phi thực tế khi mà vị thế của của ông cả trên chiến trường lẫn diễn đàn ngoại giao đều không ngừng tăng lên. Quân đội chính phủ Syria đã chiếm lại nhiều khu vực, trong khi lực lượng nổi dậy đấu đá lẫn nhau và Washington từ bỏ kế hoạch không kích, chấm dứt những đồn đoán suốt 2 năm qua rằng phương Tây có thể tham gia cuộc chiến chống lại ông Assad .
“Để bất cứ hội nghị chính trị nào thành công trong việc tháo ngòi, hay giải quyết một cuộc xung đột căng thẳng, thì tình hình thực địa cần phải đặt ra”, cựu đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Dennis Ross nhận xét, “Cần phải nhất trí được một chương trình nghị sự, các bên tham gia phải thực sự mong muốn đạt được một số tiến bộ, các nhà đồng tổ chức hội nghị cần phải có chung một số mục tiêu cơ bản, và cần phải có đủ ảnh hưởng để những bên đang tham chiến phải đưa ra một số cam kết. Nhưng hầu hết các điều kiện đó lại đang thiếu”.
Quân đội chính phủ Syria đang thắng thế trên chiến trường.
|
Một nhà ngoại giao phương Tây tham gia quá trình chuẩn bị cho hội nghị cũng đã tiết lộ: “Chúng tôi không có kế hoạch B”.
Không giống như tiến trình hòa đàm Trung Đông, nơi ông Kerry đặt mục tiêu 9 tháng để hoàn tất một hiệp định hòa bình, không có bất cứ mục tiêu thời gian cụ thể nào cho việc hoàn tất đàm phán về Syria, hoặc thiết lập một chính phủ chuyển tiếp, có thể điều hành đất nước nếu Tổng thống Assad chịu từ bỏ quyền lực.
Bất chấp những thách thức, Bộ ngoại giao Mỹ quả quyết rằng, hội nghị Geneva 2 vẫn rất cần thiết phải tổ chức bởi việc thúc đẩy thành lập một thể chế chuyển tiếp để điều hành Syria, mục tiêu chính của hội nghị, có thể giúp thúc đẩy tình trạng chia rẽ giữa những người ủng hộ truyền thống với ông Assad, trong đó có giáo phái Alawite mà ông là một thành viên.
Nhưng ngay cả khi đó là mục tiêu thì ông Assad cũng đã “định nghĩa” lại mục đích của Geneva 2 trước khi hội nghị này bắt đầu. Trả lời AFP hôm 20/1, ông Assad tuyên bố, mục đích của Hội nghị nên là thảo luận các giải pháp chống khủng bố, và “hoàn toàn phi hiện thực” khi ai đó nghĩ rằng ông sẽ chia sẻ quyền lực với phe đối lập đang lưu vong.
Thu Hằng