Chính trường Anh rối ren sau ‘canh bạc’ thua đậm của bà Theresa May

Việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May chỉ giành được 315 ghế, không quá bán trong bầu cử Quốc hội ngày 8/6 khiến cho vị thế của bà bị lung lay dữ dội và có thể đẩy chính trường Anh vào tình trạng rối loạn.

Theo trang news.com.au, sau khi bị giáng một đòn mạnh vì để mất hơn 10 ghế, khiến đảng Bảo thủ không có đủ số ghế để tự thành lập chính phủ mới, bà May đang đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức.

Đối thủ của bà là lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi bà từ chức ngay sau khi kết quả bầu cử ngã ngũ. Với 261 ghế trong tay (thêm gần 30 ghế), Công đảng có thể nói đã giành thắng lợi lớn trong bầu cử.

Khi cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng không thể giành được quá bán trong tổng số 650 ghế Quốc hội, nước Anh đã chính thức rơi vào tình trạng “Quốc hội treo”.

Thủ tướng Anh Theresa May rời trụ sở của đảng Bảo thủ ở London sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa ngày 9/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, cuộc đàm phán phức tạp chưa từng có tiền lệ về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) sắp diễn ra trong 10 ngày nữa. Tình trạng “Quốc hội treo” khiến tiến trình Brexit thêm khó khăn vì hiện chưa rõ ai sẽ thành lập được chính phủ tiếp theo của Anh và định hướng cơ bản của Brexit sẽ là gì.

Phát biểu sau khi giành được ghế Quốc hội ở khu vực Maidenhead gần London, bà May cho biết sẽ không từ chức và nói: “Tại thời điểm này, quốc gia cần một giai đoạn ổn định hơn bất kỳ điều gì. Nếu đảng Bảo thủ giành được nhiều ghế nhất thì chúng tôi có phận sự đảm bảo rằng chúng ta sẽ có giai đoạn ổn định đó và đây là điều chúng tôi sẽ làm”.

Theo tờ Guardian, bà May vẫn có quyền tại vị và tìm cách thành lập chính phủ cho dù đảng của bà không giành được quá bán số ghế Quốc hội. Các quan chức cấp cao đảng Bảo thủ cho biết bà May đang hành động để thành lập một chính phủ liên minh, nhiều khả năng nhất là liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, đảng có 10 ghế Quốc hội.

Về phần mình, lãnh đạo Công đảng Corbyn cho rằng nỗ lực của bà May trong việc giành được nhiều sự ủng hộ hơn đã phản tác dụng. Ông cho rằng bà đã mất sự ủng hộ và tín nhiệm.

Với Liên minh châu Âu (EU), cuộc bầu cử quốc hội đáng thất vọng ở Anh có nghĩa là đàm phán Brexit có khả năng bị trì hoãn, do đó tăng nguy cơ đàm phán thất bại.

Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger nói: “Chúng tôi cần một chính phủ có thể hành động. Với một đối tác đàm phán yếu, có mối nguy hiểm rằng đàm phán sẽ tồi tệ cho cả hai bên”.

Cách đây 7 tuần, bà May đã bất ngờ kêu gọi bầu cử sớm cho dù theo lịch, bầu cử Quốc hội tới năm 2020 mới diễn ra. Tại thời điểm đó, kết quả khảo sát đều cho thấy quyết định của bà May sẽ giúp đảng Bảo thủ tăng ghế tại Quốc hội.

Tuy nhiên, khi dấn thân vào “canh bạc” này, bà Mỹ đã phải đối mặt với nguy cơ phải rời số 10 Downing sau 11 tháng cầm quyền với kết quả của đảng Bảo thủ nói trên.

Nếu phải rời nhiệm sở, đây sẽ là nhiệm kỳ thủ tướng ngắn ngủi nhất trong gần một thế kỷ ở Anh.

Thùy Dương/Báo Tin Tức
Cảm thông với Qatar trên mạng xã hội, công dân UAE có thể bị phạt 136.000 USD
Cảm thông với Qatar trên mạng xã hội, công dân UAE có thể bị phạt 136.000 USD

Sau quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Hamad Saif Al-Shamsi cảnh cáo bất kỳ ai bày tỏ niềm cảm thông với quốc gia vùng Vịnh này trên mạng xã hội sẽ bị liệt thành tội phạm máy tính và phải đối mặt với mức án từ 3 đến 15 năm tù giam hoặc nộp phạt 500.000 dirhams (136.000 USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN