Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động “cuộc chiến chống khủng bố - phiên bản 2.0” nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, Washington dường như mới chỉ ưu tiên xây dựng một liên minh hùng mạnh nhất có thể, chứ chưa xác định được một chiến lược rõ ràng cho cuộc chiến này. Ngoài việc Mỹ khẳng định sẽ không cử bộ binh tham chiến, chỉ sử dụng lực lượng không quân và máy bay không người lái tấn công các mục tiêu của IS; nhiệm vụ trên mặt đất sẽ do các đơn vị quân đội của Iraq và người Kurd đảm nhận, chúng ta chưa biết gì thêm về các kế hoạch của liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo. Chiến lược của liên minh này là gì và các bước triển khai cụ thể như thế nào?
Một trại huấn luyện của phiến quân đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ hôm 23/9. Ảnh: Reuters.
|
Trong khi đó, IS lại rất rõ ràng trong việc đối phó với các nước thành viên của Liên minh này. Chúng chấp nhận thả 49 con tin người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt ở ở Mosul (Iraq) hồi tháng 6 khi nước này từ chối tham gia “Tuyên bố chung Riyadh” cùng với 10 quốc gia Arập khác. Đối với các nước đồng minh của Mỹ, IS tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng qua các hoạt động khủng bố nhằm vào công dân Anh, Australia nhằm cảnh cáo chính phủ các nước này, khiến cho người dân hoài nghi về lợi ích của việc tham gia cuộc chiến ở rất xa biên giới nước mình. Làm suy yếu quyết tâm tham chiến rồi từ bỏ cuộc chiến của các đối thủ tiềm tàng là chiến lược rõ ràng của IS.
Trên thực địa, IS đang tăng cường chiếm các vùng lãnh thổ gần biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ - những khu vực không có lực lượng chiến binh người Kurd cũng như quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad hiện diện. Hoạt động di chuyển của lực lượng Nhà nước Hồi giáo cũng rất khó dự đoán mặc dù đã có báo cáo mục tiêu tiếp theo của chúng sẽ là thành phố Deir az – Zor, nằm ở Đông Nam Syria, giáp Iraq. Thời gian qua, chúng đã khiến người Alwaites phải bỏ chạy về các khu vực gần thủ đô Damascus hơn. Liệu chúng có tiến về Aleppo, Homs và liên kết với lực lượng tàn dư của phong trào Jabhat Al-Nusra hay không thì vẫn chưa có câu trả lời.
Trong bối cảnh đó, dư luận đặt ra hàng loạt các câu hỏi: liệu tên lửa và máy bay không người lái có tiếp tục tấn công IS? Các nước Arập đối tác theo dòng Hồi giáo Sunni có cho phép máy bay không người lái ngăn chặn lực lượng IS khi chúng tiến về Damascus? Liệu ông Obama có bắt tay với ông Assad trong cuộc chiến này? Tổng thống Obama muốn tiêu diệt toàn bộ lực lượng IS hay sẽ chỉ đẩy đuổi chúng khỏi Iraq và khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria? Nhưng có lẽ, cho đến thời điểm hiện nay, chưa ai có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi này.
Và điều này khiến viễn cảnh của cuộc chiến chống IS càng trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Nếu lực lượng IS đánh bại quân đội của Tổng thống Assad và chiếm được Damascus, một kịch bản tương tự như đã từng xảy ra ở Libya sau khi Tổng thống Gaddafi bị lật đổ sẽ tiếp diễn. Iraq và Syria sẽ rơi vào nội chiến và chia rẽ sắc tộc. Người Kurd ở Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có điều kiện để hình thành một quốc gia độc lập - nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với tất cả các quốc gia có người Kurd sinh sống.
Kịch bản thứ hai, hợp lý và nhiều khả năng xảy ra hơn, đó là Liên minh do Mỹ lãnh đạo đánh bại, đẩy đuổi được lực lượng Nhà nước Hồi giáo và kết thúc “cuộc chiến chống khủng bố - phiên bản 2.0” trong một thời gian ngắn do không muốn sa lầy trong cuộc chiến này. Tổng thống Assad sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực và được sự hỗ trợ từ các nước đồng minh như Iran, Nga. Hàng triệu người tị nạn Syria từ chối quay trở về và trở thành gánh nặng cho các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Liban. Tàn dư của lực lượng IS, nhất là các phần tử thánh chiến người nước ngoài sẽ trở về quốc gia của họ và tiếp tục cuộc chiến này, tạo ra các mối đe dọa trong tương lai.
Dù kịch bản cuộc chiến có thế nào thì cũng khó có thể có kết thúc tốt đẹp và các nước liên quan cần có các kế hoạch cụ thể để đối phó. Mới đây nhất, ngày 10/9, chính phủ Iraq đã đưa ra một kế hoạch 18 điểm chống lại Nhà nước Hồi giáo với trọng tâm là giải quyết các vấn đề gây chia rẽ sắc tộc mà IS lợi dụng để kích động người Hồi giáo Sunni; thành lập lực lượng vũ trang ở các khu vực, kêu gọi sự tham gia của người dân địa phương để chống lại IS. Dù vẫn còn tranh cãi khi kế hoạch của Thủ tướng Haider al-Abbadi chưa tính đến việc trang bị vũ khí và hỗ trợ cho các đơn vị người Kurd, vốn đang phải hứng chịu các đợt tấn công của IS thời gian qua; nhưng điều này cho thấy tín hiệu tích cực, đúng hướng trong cuộc chiến. Và cần hơn hết vẫn là một chiến lược rõ ràng hơn của Mỹ và các nước đồng minh trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố này.