Nhà hòa giải của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập từng làm nhiệm vụ trong cuộc xung đột ở Syria và Iraq, Mokhtar Lamani, nhận định liên minh do Mỹ dẫn đầu khó có cơ hội thành công trong chiến dịch phá hủy lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một thành viên của IS tại thị trấn Raqa, Syria ngày 16/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia người Canada có kinh nghiệm trong các cuộc xung đột "khó dừng" nhất ở Trung Đông lập luận rằng Mỹ muốn vũ trang và huấn luyện cho "những người ôn hòa" để chiến đấu với IS nhưng ai là những người này thì hiện Washington vẫn chưa rõ.
Theo ông Lamani, thực ra, có bốn "người chơi chính" trong cuộc nội chiến Syria: Chính quyền Tổng thống Assad và các đồng minh từ Phong trào Hezbollah ở Lebanon; IS đang chiếm giữ phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông và phía Nam; Phong trào Nusra nắm giữ phần đất phía Nam bao gồm Aleppo và cao nguyên Golan phía Syria; Mặt trận Hồi giáo do Qatar và Saudi Arabia hậu thuẫn. Chuyên gia Lamani cho rằng việc chống lại 30.000 tay súng của IS sẵn sàng "tử vì nghiệp" là nhiệm vụ bất khả thi đối với lực lượng ôn hòa. Cũng không thể loại trừ khả năng, một khi nhận được trang bị mới của Mỹ, lực lượng nổi dậy Syria sẽ chỉ chĩa súng vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, người họ xem là "kẻ thù thực sự" chứ không phải IS.
Với thực tế có quá nhiều lực lượng khác nhau ở Syria và Iraq trong khi các thành viên trong liên minh chống IS lại có những lợi ích mâu thuẫn nhau, Mỹ sẽ "không có lý do để lạc quan" trong cuộc chiến chống IS. |
Tại Iraq, tình hình không mấy tốt hơn khi thậm chí cả ông Obama và Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Dempsey, không thể đi đến điểm mấu chốt: Mỹ có điều bộ binh tham chiến hay không? Ông Obama khẳng định sẽ không có quân Mỹ tham chiến trên bộ trong chiến dịch này trong khi Tướng Dempsey lại nêu khả năng quân Mỹ trực tiếp tham chiến khi đội quân cố vấn của Mỹ bị buộc phải chiến đấu.
Đáng chú ý là Iran cũng muốn Mỹ triển khai quân ở Iraq. Tổng thống Hassan Rowhani muốn kết thúc mối bất hòa giữa Tehran và Washington - chấm dứt các trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Iran và phần nào chấp nhận chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người không ngừng cảnh báo về mối đe dọa của một Iran có vũ khí hạt nhân và sẽ làm mọi việc có thể để thuyết phục Washington tiếp tục cản trở chương trình hạt nhân của Tehran.
Chuyên gia Lamani cho rằng với thực tế có quá nhiều lực lượng khác nhau ở Syria và Iraq trong khi các thành viên trong liên minh chống IS lại có những lợi ích mâu thuẫn nhau, Mỹ sẽ "không có lý do để lạc quan" trong cuộc chiến chống IS.
Viên Thị Luyến (Theo "Báo thư tín địa cầu")